Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay13,653
  • Tháng hiện tại645,543
  • Tổng lượt truy cập10,742,246

Lịch sử hình thành

BỆNH VIỆN ĐIỀU DƯỠNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRUNG ƯƠNG
24 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1999 - 2019) - 50 NĂM TRUYỀN THỐNG
      Năm 1973 Bộ Y tế thành lập Bệnh viện T72 tại Quyết định số 52/BYT-QĐ ngày 15/02/1973, với nhiệm vụ: Tổ chức khám chữa bệnh và phân loại sức khỏe cho cán bộ thuộc T72 trong tỉnh Thanh Hóa; Tổ chức chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế cụm và các bệnh xá phục vụ cho số cán bộ nói trên.
      Sau khi đất nước giải phóng bệnh viện T72 lúc đó đã hoàn thành nhiệm vụ, Bệnh viện T72 được chuyển tên thành Viện Điều dưỡng B thuộc Bộ Y tế tại Quyết định số 676/BYT-QĐ ngày 13/12/1975 với nhiệm vụ mới là: điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp của các cơ quan Trung ương.
      Đến năm 1985 đổi tên thành Nhà Điều dưỡng Trung ương II tại Quyết định số 1004/BYT - QĐ ngày 11/9/1985, với chức năng, nhiệm vụ không thay đổi như khi thành lập Viện điều dưỡng B.
      Qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao là: Chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng có công với cách mạng, cán bộ viên chức ngành y tế và các ngành khác từ trung ương đến địa phương.     
gt bacgiap 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các cụ lão thành cách mạng đang điều trị tại Bệnh viện (năm...)
      Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, Đảng và nhà nước có điều kiện chăm lo cho người khuyết tật. Năm 1999 Bộ Y tế đã chuyển đổi Nhà Điều dưỡng Trung ương II thành Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương tại Quyết định số 2312/1999/QĐ-BYT ngày 30/7/1999 với chức năng, nhiệm vụ mới là: Phục hồi chức năng, điều dưỡng và khám chữa bệnh cho mọi đối tượng có nhu cầu. 
      Khi mới thành lập, phục hồi chức năng là chuyên ngành mới, nhận thức và nhu cầu Phục hồi chức năng còn chưa cao và còn lệch lạc chính sách xã hội chưa đồng bộ, còn ràng buộc, chưa thể hiện được mối quan tâm cụ thể đến người khuyết tật nói chung và người khiếm khu-yết, giảm chức năng, khuyết tật thứ phát sau điều trị, ... nói riêng; cơ sở hạ tầng không phù hợp, trang thiết bị lạc hậu; nhân lực thiếu và yếu. 
      Nguồn nhân lực của Bệnh viện đang sống trong thời kỳ bao cấp, các hoạt động điều dưỡng đơn thuần (Chủ yếu phục vụ ăn nghỉ cho các đối tượng an dưỡng) chuyển sang các họat động của Bệnh viện nên từ công tác tư tưởng, nhận thức, hành động làm thay đổi nếp sinh hoạt và thực hiện các qui chế Bệnh viện rất khó khăn 
      Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của các Bệnh viện tuyến Trung ương, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa, cùng với sự nổ lực cố gắng của toàn thể cán bộ viên chức lao động qua các thời kỳ, đến nay Bệnh viện đã trở thành Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về phục hồi chức năng, có đội ngũ thầy thuốc là Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II được đào tạo trong nước và nước ngoài, được đầu tư cơ sở hạ tầng, được trang bị các thiết bị y tế chuyên khoa, chuyên sâu hiện đại, triển khai các phương pháp tiên tiến để thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, .... đào tạo và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành Phục hồi chức năng. 
      Nhìn lại chặng đường xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Xong trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Bệnh viện vẫn kiên trì bám sát mục tiêu lý tưởng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nối tiếp truyền thống của thế hệ cán bộ đi trước, thế hệ cán bộ Bệnh viện hôm nay cũng có nhiều tấm gương tập thể và cá nhân đang miệt mài cống hiến, với lòng yêu nghề, say sưa học tập, nghiên cứu ứng dụng chọn lọc những thành quả để lại và xây dựng, phát triển Bệnh viện qua từng năm tháng. Mỗi cán bộ Bệnh viện hôm nay đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cùng nhau đoàn kết xây dựng và duy trì Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương; tiếp tục phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn; thay đổi phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 
      Để ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được, tập thể Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước; Bằng khen Bệnh viện xuất sắc toàn diện; Giấy khen tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa, Danh hiệu đơn vị quyết thắng của Tư lệnh Quân khu 4.
      Những điều mà Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương đã liên tục phấn đấu trong suốt 20 năm qua là giữ gìn, phát huy những giá trị cốt lõi để thực hiện sứ mệnh lịch sử của Bệnh viện và hướng tới tầm nhìn tương lai là sớm trở thành Bệnh viện chuyên khoa Phục hồi chức năng ngang tầm với các nước trong khu vực. Với sứ mệnh chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho người khuyết tật nặng, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để người khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, chăm nuôi người cao tuổi và khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực.

Quy hoạch Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương
Những thành tích đạt được :
      Năm 2000: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
      Năm 2001: Bộ Y tế tặng cờ thi đua;
      Năm 2003: Huân chương lao động hạng 3 của Thủ tướng Chính phủ;
      Năm 2005 và 2006: Cờ thi đua của Công đoàn Y tế Việt Nam.
      Và nhiều phần thưởng cao quý khác.
 
ĐẢNG BỘ BỆNH VIỆN ĐIỀU DƯỠNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRUNG ƯƠNG
NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN


screenshot 2021 02 09 tk ky yeu bv thanh hoa file sua 3 ok 1 pdf2
Ban chấp hành Đảng bộ đương nhiệm.
 
      Chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của Bệnh viện đã đi qua 2 thập kỷ, 46 năm truyền thống với nhiều sự kiện, dấu ấn ghi đậm quá trình xây dựng và trưởng thành của Bệnh viện. Từ Bệnh viện T72- Viện điều dưỡng B- Nhà Điều dưỡng Trung ương 2 -  Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương hôm nay đã trở thành mái nhà chung, gắn bó bao thế hệ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân và các cán bộ khác cùng chung tay xây đắp sự nghiệp y tế, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong quá trình phát triển đã thấy rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng qua các thời kỳ.
      Sau khi được chuyển đổi, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương được tổ chức xây dựng theo mô hình mới.   
      Đây là một bước ngoặc lịch sử của Bệnh viện. Bám sát nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn là chuyển đổi từ điều dưỡng đơn thuần sang khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng một chuyên ngành còn mới mẻ ở Việt Nam, cắt bỏ chế độ ăn cho các cán bộ đến an dưỡng tại Bệnh viện. Cấp ủy Bệnh viện đã tập trung lãnh đạo củng cố tổ chức, ổn định tư tưởng cán bộ, nâng cao nhận thức, thực hiện chuyển đổi từ tư tưởng đến hành động; ổn định mọi mặt đưa Bệnh viện đi vào hoạt động có nền nếp.
      Được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Bộ Y tế, sự giúp đỡ nhiều mặt của các ban ngành tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và nhân dân trong khu vực. Tập thể Cấp ủy bệnh viện với những cán bộ nhiệt huyết về chuyên môn, có lập trường vững vàng và yêu nghề đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn; lãnh đạo Bệnh viện vượt qua khó khăn ban đầu, đoàn kết đưa Bệnh viện ngày càng phát triển đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
      Thời gian này do đồng chí bí thư chi bộ mắc bệnh hiểm nghèo, một số cán bộ sau khi đi đào tạo về bỏ bệnh viện đi làm những nơi có thu nhập cao hơn, trong đó có cả các đồng chí đảng viên. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo ổn định tư tưởng cán bộ viên chức, củng cố, thuyết phục, xây dựng các chính sách thu hút các bác sĩ, tổ chức tiếp nhận thêm một số bác sĩ mới ra trường và một số nơi khác bổ sung về, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng chuyên môn và tinh thần phục vụ xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, vật chất thiếu thốn mọi bề, dự án xây dựng mở rộng bệnh viện gặp nhiều trở ngại từ giải phóng mặt bằng đến vốn... Cấp ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo tăng cường công tác tiết kiệm, cải thiện đời sống để giúp nhân viên Bệnh viện vượt qua khó khăn, đồng thời thuyết phục cán bộ viên chức di dời khu tập thể phía bắc để thực hiện dự án.
      Với đặc điểm đội ngũ cán bộ, viên chức của Bệnh viện phần lớn là các bác sĩ trẻ mới ra trường. Ngay từ năm 1999, cấp ủy - Ban Giám đốc Bệnh viện đã rất quan tâm động viên và tạo điều kiện cho các bác sĩ đi học thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Bên cạnh việc bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn, Cấp ủy Bệnh viện cũng rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công sở, xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể cán bộ viên chức. Bằng chủ trương và giải pháp lãnh đạo đúng đắn của tập thể Đảng ủy - Ban Giám đốc, sự nhiệt tình trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bệnh viện không những đã sớm ổn định được tổ chức mà đã có sự phát triển rất nhanh và đúng hướng tạo được niềm tin cho bệnh nhân và lãnh đạo cấp trên. 
      Kể từ khi được chuyển đổi, Bệnh viện ngày càng được chấn chỉnh, có nhiều cố gắng trong chuyên môn đáp ứng với yêu cầu chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bệnh viện tạo được tình cảm tốt đẹp và sự tín nhiệm của bệnh nhân
      Kế thừa những thành tích đó, trải qua 20 năm xây dựng, phấn đấu trưởng thành các thế hệ cán bộ, đảng viên, viên chức Bệnh viện luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng 3 và Bằng khen của Chính phủ. Bộ Y tế tặng cờ thi đua và Bằng khen. Có 03 cán bộ viên chức Bệnh viện được phong tặng Thầy thuốc Ưu tú, 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2003 Bệnh viện đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Đây là sự ghi nhận đồng thời là sự động viên khích lệ lớn lao đối với cán bộ, viên chức của Bệnh viện. 
      Lúc mới thành lập, Bệnh viện chỉ có quy mô 150 giường và chủ yếu là khám và điều trị về phục hồi chức năng và an dưỡng, thì hiện nay Bệnh viện đã phát triển và mở rộng quy mô 310 giường. Gồm 09 khoa lâm sàng, 3 khoa cận lâm sàng, 05 phòng chức năng và 01 trung tâm đào tạo với gần 190 cán bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị là phục hồi chức năng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, khám, chữa bệnh đa khoa cho nhân dân trong khu vực, an dưỡng cho người cao tuổi trong cả nước và mọi đối tượng có nhu cầu. Hiện nay Bệnh viện đã có nhiều chuyên khoa mũi nhọn như PHCN đột quị, PHCN tổn thương tủy sống, bại não, chẩn đoán điện thần kinh cơ, đo niệu động học ... Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện cũng đã tham gia thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, là cơ sở thực hành của sinh viên nhiều trường đại học, trung cấp chuyên ngành y dược trên địa bàn, trong đó có Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, Đại học y Hà Nội, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế về chuyên ngành Phục hồi chức năng. 
      Trong quá trình hình thành và phát triển, bên cạnh những thuận lợi Bệnh viện cũng có những giai đoạn khó khăn nhất định do yêu cầu đặc thù nhiệm vụ và những lo toan thường nhật của cuộc sống gia đình, nhiều y bác sỹ của Bệnh viện phải chuyển công tác, tạo nên lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, chính sách BHYT có lúc bệnh viện có rất ít bệnh nhân đến khám và điều trị, không có nguồn thẻ BHYT ban đầu. Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của bệnh viện. Đứng trước tình hình đó Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã tranh thủ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Thành ủy Sầm Sơn. Đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ viên chức trước kia và hiện nay, Bệnh viện đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển đi lên. 
      Dù trong hoàn cảnh nào Đảng ủy, Đảng bộBệnh viện đều luôn thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của mình, thường xuyên quán triệt các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Trung ương đảng; Chỉ thị, Nghị quyết của Thành ủy Sầm Sơn và Ban cán sự đảng- Bộ Y tế, bám sát nhiệm vụ thực tiễn của Bệnh viện đề ra những chủ trương lãnh đạo đúng đắng trong từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể. Đồng thời động viên, giám sát việc tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến mức độ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Bệnh viện trong thời gian qua. Thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, định hướng nhận thức chính trị cho đảng viên và quần chúng trong đơn vị nhất là trước các vấn đề xảy ra được dư luận quan tâm. Tình hình tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, viên chức ổn định tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng hàng năm Đảng bộ Bệnh viện nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Quan tâm lãnh đạo tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động có hiệu quả, đúng chức năng nhiệm vụ của mình, bảo vệ chính đáng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và giáo dục định hướng phát triển cho đoàn viên thanh niên. Tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa thể thao, tham quan du lịch nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ viên chức, xây dựng mối đoàn kết gắn bó trong đơn vị góp phần thiết thực để Bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, khám, chữa bệnh từ thiện cho bà con nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn phường góp phần cùng với địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội.
      Chi bộ đã qua 16 kỳ đại hội, Đảng bộ Bệnh viện đã trải qua 2 kỳ đại hội, đồng chí Trịnh Viết Xuân là Bí thư Đảng ủy (1999 -2012), tiếp theo là đồng chí Nguyễn Văn Chi (2012 - nay).
      Trong giai đoạn hiện nay để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và nề nếp, chất lượng sinh hoạt của từng chi bộ, Đảng ủy Bệnh viện đã ra Nghị quyết về việc tách và thành lập thêm các chi bộ theo nhóm chuyên khoa. Được sự đồng ý của Thường vụ thị ủy Sầm Sơn năm 2014 đã tách thành lập thêm 01 chi bộ. Hiện nay Đảng bộ Bệnh viện có 4 chi bộ 66 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết của BCH trung ương đảng tại đại hội XII “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến”; Nghị quyết đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ Bệnh viện “Xây dựng Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương văn minh, hiện đại”; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập bệnh viện (30/7/1999 - 30/7/2019) và 46 năm truyền thống. Đảng ủy - Ban Giám đốc đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đưa Bệnh viện nhanh chóng trở thành Bệnh viện chất lượng cao ngang tầm với các nước trong khu vực, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao là khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cho người khuyết tật và nhân dân trên địa bàn, tổ chức an dưỡng có hiệu quả cho người cao tuổi trong cả nước thực hiện tốt việc chăm sóc người cao tuổi./.

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây