Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập152
  • Hôm nay58,858
  • Tháng hiện tại825,575
  • Tổng lượt truy cập17,764,676

Cách chăm sóc tiểu tiện ở bệnh nhân tổn thương tuỷ sống bằng tự đặt thông tiểu sạch cách quãng

Thứ ba - 03/01/2023 05:03 6.473 0
Cách chăm sóc tiểu tiện ở bệnh nhân tổn thương tuỷ sống
bằng tự đặt thông tiểu sạch cách quãng
TS. Cầm Bá Thức, Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương

        Sau khi bị tổn thương tuỷ sống bệnh nhân mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, chức năng co bóp của bàng quang (bọng đái) yếu nên không thải hết nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần đi tiểu làm cho trong bàng quang luôn tồn đọng một lượng nước tiểu, lượng nước tiểu tồn dư này là môi trường cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu nhiễm trùng ngược dòng sẽ gây viêm thận, suy thận, là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân liệt tuỷ. Kỹ thuật đặt thông tiểu sạch cách quãng được hướng dẫn cho bệnh nhân và người thân tự thực hiện tại nhà giúp bệnh kiểm soát nước tiểu, tránh nhiễm trùng tiết niệu và tạo sỏi bàng quang, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ bệnh nhân.
        Thông tiểu sạch cách quãng là gì? là cách làm rỗng bàng quang hoàn toàn bằng việc đặt một ống thông sạch qua niệu đạo vào bàng quang, sau đó rút ra ngay và được đặt nhiều lần trong ngày thay cho mỗi lần đi tiểu.
        Thế nào là ống thông sạch? ống thông này không được tiệt trùng, nhưng được rửa sạch tuyệt đối cả trong và ngoài lòng ống.
        Ống thông không được tiệt trùng như vậy có làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hay không? Câu trả lời là không. Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu chỉ khi có nước tiểu tồn dư trong bàng quang mà thôi, nhiều nghiên cứu cho thấy đây là phương pháp tối ưu nhất và cho đến nay nó được dùng phổ biến trên thế giới.
        Sinh lý tiểu tiện: nước tiểu được lọc từ hai quả thận và chảy theo niệu quản xuống bàng quang. Bàng quang là nơi chứa nước tiểu, khi có nước tiểu từ 250ml đến 300ml ta sẽ có cảm giác buồn đi tiểu. Khi đi tiểu, nước tiểu được tống ra ngoài theo đường niệu đạo, trung bình mỗi ngày ta đi tiểu khổng 4-6 lần.
        Các dạng tiểu không tự chủ và cách xử lý:
        Dạng 1: tiểu không tự chủ, gặp ở người liệt hoàn toàn, nước tiểu chảy ra một cách tự phát, cần đặt thông tiểu cách quãng để tháo nước tiểu ra, tránh được dò rỉ giữa hai lần thông tiểu.
        Dạng 2: tiểu bán tự chủ (gặp ở người liệt không hoàn toàn), mặc dù tự chủ được nhưng nước tiểu vẫn không ra hết, sau khi đi tiểu vẫn còn tồn dư một lượng nước tiểu. Để kiểm chứng, sau khi đã đi tiểu đặt thông vẫn có nước tiểu trong bàng quang, nếu lượng nước tiểu tồn dư này trên 50ml (nửa cốc), chắc chắn bệnh nhân vẫn phải dùng thông tiểu sạch cách quãng.
        Kỹ thuật tự đặt thông tiểu (nam và nữ):
      Chuẩn bị dụng cụ: ống thông nelaton, xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh, chất bôi trơn (dầu vaselin, gel KY), khăn lau (có thể là khăn giấy), gương có chân đứng để soi (cho nữ), dụng cụ hứng nước tiểu (bô).
 
 
  

        Kỹ thuật: Bệnh nhân tự thực hiện, có thể tại giường, trong nhà vệ sinh hay trên xe lăn (khi đi ra ngoài cần chuẩn bị các dụng cụ trên đựng trong túi), thứ tự các bước như sau:
        - Hạ thấp quần, nữ đặt gương phía trước cho rễ nhìn thấy lỗ tiểu;
        - Rửa sạch bộ phận sinh dục ngoài bằng xà phòng và nước hoặc lau sạch bằng khăn giấy ướt; với nam cần kéo da quy đầu ra, rửa từ lỗ tiểu rộng ra ngài cho thật sạch; nữ rửa môi lớn, môi bé trước sau đó rửa vùng lỗ tiểu rộng ra xung quanh cho đến khi sạch. Rửa tay lại cho sạch bằng xà phòng với nước, lau khô bằng khăn sạch.
        - Bôi trơn ống thông ở phía đầu đưa vào, nam bôi dài từ 16cm-20cm, nữ 6cm.
Hình: Cách đặt thông tiểu cho nam và nữ

        - Đưa ống thông vào nhẹ nhàng và từ từ, tránh không để ống chạm vào các vật xung quanh làm bẩn ống (với nam nâng dương vật lên cho rễ đặt vào).
        - Khi thấy nước tiểu chảy ra, lấy tay bóp ống lại, lấy bô hứng nước tiểu.
        - Khi nước tiểu ngừng chảy, kéo ống ra từ từ. Nếu thấy nước tiểu còn chảy tiếp thì ngừng kéo ống, cứ như thế cho đến khi nước tiểu chảy hết.
        - Rút ống thông ra, rửa sạch hoặc lau sạch bộ phận sinh dục và dọn dẹp dụng cụ, xem mầu sắc nước tiểu, rửa tay.
        - Thông tiểu theo giờ nhất định trong ngày, khoảng cách giữa các lần thông tiểu là 4-6 giờ mỗi lần.
       Kỹ thuật rửa sạch ống thông và các dụng cụ khác:
       - Rửa ống thông bằng nước xà phòng hoặc dung dịch nước rửa bát, cần rửa thật sạch các chất bôi trơn ống sau đó rửa lại bằng nước lã, dùng tay vuốt dọc theo ống để tống hết cặn trong ống ra, dùng bơm tiêm nhựa hút nước và xịt vào lòng ống vài lần cho thật sạch.
        - Vẩy ống cho ráo nước, cất ống vào túi nilon sạch buộc lại treo lên để dùng lần tiếp theo, với xylanh dùng thau rửa ống thông cũng cần được rửa sạch và cất vào chỗ sạch, bô hứng nước tiểu và các dụng cụ khác cũng cần được rửa sạch.
        Một số tai biến thường gặp khi đặt thông tiểu:
        - Trầy xước niệu đạo: do thao tác thô bạo, ống thông không bôi trơn hoặc bôi ít chất làm trơn;
        - Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu: do không vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, không rửa sạch tay trước khi đặt thông tiểu, ống thông và dụng cụ không đảm bảo vệ sinh.
        - Đau khi đặt thông tiểu: do động tác thô bạo đã làm tổn thương niệu đạo hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu đau và chảy máu thì cần đến khám bác sĩ.
         - Khó đưa ống thông vào hoặc rút ra: có thể do co cứng cơ, không nên cố đẩy ống vào, cần có khoảng nghỉ để thư giãn và mềm các cơ đáy chậu sau đó tiếp tục đặt thông tiểu.
        Những điểm cần lưu ý:
        - Khi đi ra ngoài (đi làm, đi chơi, đi đường dài) cần mang theo các vật dụng cần thiết (như đã nói ở trước)) cho việc đặt thông tiểu.
        - Khi thấy nước tiểu đục, có cặn, có mùi hôi đó là dấu hiệu nhiễm trùng tiểu, cần uống nhiều nước (2 đến 3lít mỗi ngày) cho đến khi hết các dấu hiệu nói trên. Tăng cường uống các loại nước cam, chanh và uống thêm vitamin C, như vậy vừa có tác dụng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa có tác dụng làm toan hoá nước tiểu, giảm được nhiễm trùng tiểu.
        - Chọn ống thông có kích cỡ thích hợp: 14 cho nam và 16 cho nữ, trẻ em có thể dùng các ống có kích cỡ nhỏ hơn như 8 hoặc 10 chẳng hạn, nếu ống thông quá cũ, bị gãy hoặc quá cứng thì nên thay bằng ống thông mới, ống thông có bán tại các cửa hàng bán Thuốc – Vật tư y tế.
       - Đối với bệnh nhân liệt tứ chi mà chức năng hai tay kém thì người nhà có thể thông cho họ hoặc có thể sử dụng một trong các biện pháp sau: phẫu thuật mở thông bàng quang trên xương mu; đặt stent cổ bàng quang hoặc phẫu thuật cắt cơ thắt kết hợp dẫn lưu ngoài bằng bao cao su và túi gom.
        Tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương trong nhiều năm qua chúng tôi đã huấn luyện kỹ thuật này cho bệnh nhân, kinh nghiệm cho thấy nếu bệnh nhân thực hiện đúng sẽ giảm được tỷ lệ nhiểm khuẩn tiết niệu, giảm được các biến chứng ở thận và đường tiết niệu, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây