Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập220
  • Hôm nay53,148
  • Tháng hiện tại346,294
  • Tổng lượt truy cập18,706,307

MỞ THÔNG DẠ DÀY CỨU SỐNG BỆNH NHÂN

Thứ hai - 18/11/2024 01:45 74 0

Mệt mỏi, sụt cân, ho khi ăn uống, nam thanh niên 21 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị thủng thực quản

Thứ ba, 14:10 12/11/2024Y tế

Theo dõi Gia đình và Xã hội trên
 

        GĐXH – Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rò thực quản và khí quản khi nuôi ăn qua sonde. Thức ăn được bơm vào dạ dày bệnh nhân nhưng lại bị trào ngược vào trong khí quản, phổi khiến phổi bị tổn thương, viêm loét.

        Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa tiến hành mở thông dạ dày cứu sống bệnh nhân bị thủng thực quản.

        Theo đó, bệnh nhân N.V.T (21 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội) được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng: sốt cao, viêm phổi, lao toàn thể, lao màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn đa kháng, phải hồi sức tích cực, thở máy.

        Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân không có bệnh nền. Một tháng trước khi nhập viện, T có biểu hiện sụt cân, da tái, ho nhẹ mỗi khi ăn uống. Sau đó, bệnh nhân mệt mỏi tăng dần, đau đầu, sụt cân hơn, sốt cao nên được người nhà đưa đi khám và nhập viện ở cơ sở y tế tuyến dưới với chẩn đoán viêm phổi.

Mệt mỏi, sụt cân, ho khi ăn uống, nam thanh niên 21 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị thủng thực quản- Ảnh 1.

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

        2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao không ngừng và bắt đầu có biểu hiện lơ mơ, ý thức không rõ ràng. T được chuyển lên tuyến trên điều trị 10 ngày nhưng bệnh trở nặng hơn, phải hồi sức tích cực, làm xét nghiệm toàn thể và phát hiện bị lao màng não nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.

        Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rò thực quản và khí quản khi nuôi ăn qua sonde. Thức ăn được bơm vào dạ dày bệnh nhân nhưng lại bị trào ngược vào trong khí quản, phổi khiến phổi bị tổn thương, viêm loét.

        Bác sĩ Đỗ Văn Nhật, Khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân được ưu tiên điều trị các bệnh lý nội khoa trước để hồi phục sức khỏe sau đó mới tiến hành phẫu thuật lấp kín lỗ rò. "Nếu tiến hành phẫu thuật lấp kín lỗ rò thực quản ngay thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao do các bệnh lý nội khoa đang mắc phải", BS Nhật cho hay.

        Theo TS.BS Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông qua hình ảnh nội soi, lỗ rò có kích thước 1 cm nằm ở vị trí 1/3 giữa thực quản. Nguyên nhân bệnh nhân xuất hiện lỗ rò thực quản được chẩn đoán là do vi khuẩn lao gây tổn thương phế quản xâm lấn vào thực quản gây tạo thành lỗ rò.

        Bệnh nhân không có biểu hiện khác thường nào bên ngoài khi bị rò thực quản, mà chỉ bị ho sặc nhẹ trong thời gian đầu mỗi khi ăn uống. Chính vì thế, khi người bị rò thực quản, thức ăn đi qua đường tự nhiên bị mắc kẹt vào lỗ rò khiến lỗ rò ngày một rộng hơn, không thể liền lại được.

        Do sức khoẻ bệnh nhân ngày càng suy kiệt, không thể ăn qua sonde, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mở thông dạ dày. Từ đó tạo một đường ăn riêng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng không thông qua thực quản nuôi dưỡng người bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Đặc biệt đối với những người bệnh thở máy, điều trị tích cực cần phải hỗ trợ dinh dưỡng không thông qua đường miệng.

        "Đây là thủ thuật giúp những bệnh nhân không thể ăn uống trong thời gian dài có thể được cung cấp dinh dưỡng liên tục, duy trì sự sống và làm giảm áp lực trong lòng dạ dày. Về mặt kỹ thuật đây không phải là thủ thuật phức tạp, nhưng cũng không được coi là thủ thuật nhỏ vì thường thực hiện trên người bệnh có thể trạng suy kiệt", TS.BS Trần Việt Hùng nhấn mạnh.

        Việc nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa thường được chọn lựa vì phù hợp với chức năng sinh lý đường tiêu hóa, giá thành thấp và nguy cơ thấp hơn so với nuôi dưỡng bằng đường ngoại vi. Nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa giúp mau lành vết thương, giảm tình trạng nhiễm trùng và giảm thời gian nằm viện.

         Đồng thời phương pháp này giảm thiểu việc trào ngược thức ăn, tránh việc đặt sonde dạ dày qua đường thực quản khiến tâm vị không đóng kín được dẫn đến trào ngược thức ăn và khi đó thức ăn không đi qua lỗ rò thực quản, hỗ trợ điều trị viêm phổi cho bệnh nhân.

        Sau 4 ngày mở thông dạ dày, tình trạng viêm phổi của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân cắt sốt, người tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt và được tiến hành đóng lỗ rò qua nội soi thực quản.

 

N.Mai

Tác giả bài viết: Nguồn Báo sức khỏe

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây