Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay25,295
  • Tháng hiện tại530,431
  • Tổng lượt truy cập11,362,133

RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

Thứ ba - 03/01/2023 04:12 3.437 0
RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO
     TS. BS. Cầm Bá Thức
Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương

 
        Bệnh nhân Trần Duy Khánh 26 tuổi, quê ở Thường Xuân – Thanh Hóa, bị ngã xe máy đập đầu xuống vật cứng, sau tai nạn hôn mê, được điều trị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Thanh Hóa, phẫu thuật lấy mảnh sọ vỡ nát, sau phẫu thuật ổn định được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương để điều trị, trong thời gian điều trị và phục hồi chức năng bệnh nhân biểu hiện uống nhiều nước hơn bình thường, có ngày uống 4 lít sau uống tới 7 lít mỗi ngày, kể từ lúc bị tai nạn đến khi xuất hiện uống nhiều nước khoảng 40 ngày; đó là một biểu hiện của rối loạn nội tiết tố chống bài niệu sau tổn thương não. Tổn thương não gây rối loạn nhiều nội tiết tố, dưới đây là những biểu hiện của rối loạn nội tiết tố do tổn thương não.
        Tổn thương não do chấn thương là gì?
       Tổn thương não do chấn thương (Traumatic Brain Injury) là một tổn thương đột ngột của não, xảy ra khi đầu va chạm mạnh vào vật gì đó hoặc va đập nhiều lần hoặc một vật nào đó va chạm mạnh vào đầu và gây tổn thương cả hộp sọ lẫn não bộ
        Nguyên nhân bao gồm
        • Tai nạn sinh hoạt: ngã trong sinh hoạt hàng ngày
        • Tai nạn giao thông, tai nạn lao động
        • Bạo lực đánh đập, đạn bắn, bị sức ép của các vụ nổ...
        • Chấn thương thể thao

          Hệ thống nội tiết là gì?
        Hệ thống nội tiết của bạn bao gồm các tuyến và cơ quan làm nhiệm vụ tiết hóc môn (hay còn được gọi là hệ thống hóc môn), bản chất của hóc môn (hay còn gọi là nội tiết tố) là những chất hóa học nội sinh đảm bảo cho hoạt động sống bình thường của cơ thể con người. Hóc môn tác động lên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, các vấn đề về tình dục, chuyển hóa và tích trữ năng lượng, đề kháng với bệnh tật..v.v.....; cơ thể cần có đủ chủng loại và hàm lượng thích hợp để duy trì hoạt động bình thường.

          Tổn thương não ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết ra sao?
         Hai bộ phận quan trọng của hệ thống nội tiết đó là tuyến yên và vùng dưới đồi tại não và cận não. Chấn thương não có thể gây tổn thương những vùng này, gây ra các vấn đề nội tiết tố. Một người bị tổn thương não có thể bị rối loạn nội tiết tố ngay lập tức hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi bị thương.
          Các rối loạn nội tiết tố sau tổn thương não?
        Một người tổn thương não có thể có một hoặc nhiều vấn đề về nội tiết tố, tùy thuộc vào các chấn thương. Các rối loạn nội tiết tố sau tổn thương não bao gồm:
        • Suy thượng thận: Khi tổn thương tuyến yên, trục điều hành hoạt động tuyến yên -dưới đồi - thượng thận bị mất dẫn đến tuyến thượng thận không hoạt động. Khi các tuyến thượng thận không tạo ra đủ hormone sẽ gây ra các hậu quả như cơ thể luôn mệt mỏi, sụt cân, huyết áp thấp, nôn mửa và mất nước. Suy thượng thận có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
        • Bệnh đái tháo nhạt: Khi tuyến yên không sản xuất đủ hóc môn chống bài niệu (Anti Diuretic Hormone/ ADH) sẽ dẫn đến hậu quả người bệnh buồn đi tiểu thường xuyên và khát nước và người bệnh phải uống nhiều nước;
        • Hạ natri máu: Khi không có hóc môn chống bài niệu, bệnh nhân uống nhiều và đái nhiều dẫn đến phá vỡ sự cân bằng muối và nước trong cơ thể; có thể dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, nôn, lú lẫn và co giật.
        Các biểu hiện có thể xuất hiện muộn hơn bao gồm:
       Do tổn thương tuyến yên không những gây thiếu hụt các nội tiết tố tuyến yên mà còn ảnh hưởng đến trục hoạt động: tuyến yên – dưới đồi – tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, cơ quan sinh dục.v.v...; dẫn đến các rối loạn nội tiết sau đây:
        • Suy giáp (thiếu hụt nội tiết tố tuyến giáp): Bệnh nhân biểu hiện mệt mỏi, táo bón, tăng cân, chu kỳ kinh nguyệt không đều, không chịu được thời tiết lạnh.
        • Thiểu năng sinh dục (thiếu hụt nội tiết tố sinh dục): ở phụ nữ có thể biểu hiện là mất chu kỳ kinh nguyệt và rụng tóc; ở nam giới biểu hiện rối loạn chức năng tình dục như mất cương, vú to, rụng tóc, và mất cơ bắp.
        • Thiếu nội tiết tố tăng trưởng: Ở người lớn, tăng tích tụ mỡ, mất cơ bắp và xương, giảm sức lực; ở trẻ em thì không lớn lên được.
        • Tăng nội tiết tố tiết sữa (prolactin): Ở nữ xuất hiện rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kinh nguyệt không đều, núm vú tiết sữa; ở nam giới thì rối loạn chức năng cương dương
        Chẩn đoán rối loạn nội tiết tố do tổn thương não?
       Cần hỏi về bệnh sử kỹ càng và thăm khám thực thể. Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra mức độ hormone của bệnh nhân. Có thể chụp cộng hưởng từ sọ não để xem tình trạng tuyến yên và kiểm tra xem có các khối u, u nang, hoặc các vấn đề khác không?.
       Điều trị rối loạn nội tiết tố sau tổn thương não như thế nào?
        Thông thường các bác sĩ sẽ dùng nội tiết tố để thay thế những gì còn thiếu (gọi là liệu pháp hormone). Kết hợp các điều trị khác chẳng hạn như điều trị hạ natri máu bằng cách cắt bớt lượng chất lỏng, truyền thêm muối qua đường tĩnh mạch và uống thuốc khác.
       Tiên lượng về rối loạn nội tiết tố sau tổn thương não là gì?
      Tiên lượng phụ thuộc vào từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của nó. Một số vấn đề về nội tiết có thể là tạm thời và biến mất trong vòng một năm sau khi tổn thương não. Liệu pháp hormon là một phần rất quan trọng của điều trị. Nó có thể khôi phục lại sức khỏe của bạn, làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Trong một số trường hợp, nó có thể là liệu pháp để cứu sống bệnh nhân./.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây