Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay56,612
  • Tháng hiện tại1,092,106
  • Tổng lượt truy cập19,452,119

BÀNG QUANG TĂNG HOẠT

Chủ nhật - 31/03/2024 21:58 3.225 0
BÀNG QUANG TĂNG HOẠT
         Chẩn đoán
       Nếu bạn có cảm giác buồn tiểu gấp một cách bất thường, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị nhiễm trùng tiết niệu hoặc tiểu ra máu không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem liệu bạn có đi tiểu hết nước tiểu trong bàng quang không.
       Cuộc thăm khám bao gồm:
• Tiền sử bệnh.
• Khám thần kinh để tìm các vấn đề về cảm giác hoặc phản xạ.
• Khám thực thể, có thể bao gồm khám trực tràng và khám vùng chậu ở phụ nữ.
• Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá trình trạng nhiễm trùng, tiểu ra máu hoặc các vấn đề khác.
        Kiểm tra chức năng bàng quang
       Các bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để đánh giá chức năng chứa đựng và tống xuất của bàng quang, được gọi là xét nghiệm niệu động học. Xét nghiệm này thường được thực hiện bởi chuyên gia, tuy nhiên nó có thể không cần thiết để chẩn đoán hoặc bắt đầu điều trị.
       Các xét nghiệm về niệu động học bao gồm:
      • Đo lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang. Xét nghiệm này rất quan trọng nếu bạn không đi tiểu hết nước tiểu trong bàng quang. Nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu, được gọi là nước tiểu tồn dư, có thể gây ra các triệu chứng giống như bàng quang tăng hoạt.
       Để đo lượng nước tiểu tồn dư, bác sĩ của bạn có thể chỉ định siêu âm bàng quang. Quá trình siêu âm chuyển sóng âm thanh thành hình ảnh. Hình ảnh thu được cho thấy lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi bạn đi tiểu.
        Đôi khi, một ống thông, được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn lưu lượng nước tiểu còn lại ra ngoài. Từ đó có thể đo được lượng nước tiểu tồn dư.
       • Đo lưu lượng nước tiểu. Để đo lượng nước tiểu và tốc độ đi tiểu, bạn có thể được yêu cầu đi tiểu vào một thiết bị gọi là máy đo lưu lượng nước tiểu. Một máy đo lưu lượng nước tiểu sẽ hứng và đo thể tích nước tiểu. Sau đó, nó sử dụng dữ liệu để tạo biểu đồ về sự thay đổi tốc độ dòng tiểu của bạn.
      • Đo áp lực bàng quang. Một xét nghiệm gọi là đo áp lực bàng quang dùng để đo áp lực trong bàng quang và khu vực xung quanh khi bàng quang được đổ đầy. Sau khi làm trống bàng quang bằng một ống thông, nhân viên y tế sẽ sử dụng một ống thông khác để đổ đầy bàng quang của bạn từ từ bằng dung dịch ấm.
       Một ống thông khác có cảm biến đo áp suất sẽ được đặt ở trực tràng hoặc âm đạo. Cảm biến cho biết áp lực cần thiết để làm trống bàng quang hoàn toàn.
       Xét nghiệm này có thể cho biết thể tích trong bàng quang của bạn khi bạn bắt đầu buồn tiểu. Nó cũng có thể cho biết bàng quang của bạn có cơn co bóp ngoài ý muốn không.
        Bác sĩ sẽ cùng bạn xem xét kết quả xét nghiệm và đề xuất kế hoạch điều trị.
        Điều trị
        Điều trị phối hợp là phương pháp tốt nhất để làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt
        Liệu pháp hành vi
            Cơ sàn chậu ở nữ
          Cơ sàn chậu ở nam
        Liệu pháp hành vi là lựa chọn đầu tiên trong việc kiểm soát bàng quang tăng hoạt. Đây là biện pháp hiệu quả và thường không có tác dụng phụ. Liệu pháp hành vi bao gồm:
        • Phản hồi sinh học: Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, một miếng điện cực được đặt ở bề mặt da trên bàng quang của bạn. Điện cực này sẽ được kết nối với màn hình, cho phép bạn biết khi nào cơ bàng quang co lại. Điều này giúp bạn biết cảm giác khi bàng quang co bóp, từ học cách kiểm soát chúng.
       • Tập luyện bàng quang: Tập luyện bàng quang bao gồm việc đi vệ sinh vào những thời điểm nhất định. Sử dụng nhật ký bàng quang để xem tần suất bạn đi tiểu, sau đó tăng thêm 15 phút giữa các lần đi vệ sinh. Đi tiểu ngay cả khi bạn không cảm thấy buồn tiểu. Bằng cách này có thể cải thiện sức chứa bàng quang trước khi bạn cảm thấy buồn tiểu.
        • Cân nặng thích hợp: Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể làm giảm các triệu chứng. Giảm cân có thể giúp ích nếu bạn cũng mắc chứng són tiểu do tăng áp lực ổ bụng.
        • Thông tiểu ngắt quãng (cách quãng): Nếu bạn không thể đi tiểu hết, sử dụng ống thông mỗi lần đi tiểu sẽ giúp việc làm trống bàng quang hiệu quả. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn xem phương pháp này có phù hợp với bạn không.
       • Bài tập cơ sàn chậu: Bài tập Kegel tăng sức mạnh cơ sàn chậu và cơ vòng niệu đạo có thể giúp bạn ngăn bàng quang co bóp ngoài ý muốn
       Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập Kegel. Giống như các loại bài tập khác, hiệu quả của bài tập Kegel phụ thuộc vào tần suất tập luyện của bạn. Có thể mất khoảng sáu tuần để thấy sự cải thiện.
       Thuốc
      Sau khi mãn kinh, liệu pháp estrogen đường âm đạo có thể giúp tăng cường cơ và mô ở vùng niệu đạo và âm đạo. Estrogen âm đạo có dạng kem, thuốc đạn, viên nén hoặc vòng. Nó có thể cải thiện các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt
      Thuốc làm giãn bàng quang có thể giúp giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt và giảm các cơn tiểu không tự chủ. Những loại thuốc này bao gồm:
      • Fesoterodine (Toviaz).
      • Mirabegron (Myrbetriq).
    • Oxybutynin, có thể dùng dưới dạng thuốc viên (Ditropan XL) hoặc dưới dạng miếng dán da (Oxytrol) hoặc gel (Gelnique).
      • Solifenacin (Vesicare).
      • Tolterodine (Detrol).
      • Trospium.
        Tác dụng phụ thường gặp của hầu hết các loại thuốc này bao gồm khô mắt và khô miệng. Tuy nhiên uống nước khi khát có thể làm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt trầm trọng hơn. Táo bón là một tác dụng phụ khác có thể làm cho các triệu chứng bàng quang trở nên tệ hơn. Các dạng thuốc giải phóng kéo dài, như miếng dán ngoài da hoặc gel, có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn.
        Các bác sĩ khuyên bạn có thể uống một ngụm nước nhỏ, hay ngậm một miếng kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để giảm khô miệng. Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm cho mắt.
       Các loại thuốc không cần kê đơn, chẳng hạn như các loại nước súc miệng làm giảm khô miệng, có thể hữu ích cho tình trạng khô miệng kéo dài. Một chế độ ăn giàu chất xơ hoặc sử dụng thuốc làm mềm phân có thể giúp ngăn ngừa táo bón.
        Tiêm bàng quang
      OnabotulinumtoxinA (ON-ah-boch-yoo-lih-num-tox-in-A), còn được gọi là Botox, là một loại protein từ vi khuẩn gây bệnh độc thịt. Tiêm các liều nhỏ vào mô bàng quang có thể làm giãn các cơ và tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa được.
      Các nghiên cứu cho thấy Botox có thể giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ nghiêm trọng. Hiệu quả thường kéo dài sáu tháng trở lên. Khi thuốc hết tác dụng cần phải tiêm nhắc lại.
     Tác dụng phụ của tiêm bàng quang gồm nhiễm trùng đường tiết niệu và bí tiểu. Nếu đang cân nhắc phương pháp điều trị bằng Botox, bạn phải chấp nhận việc có thể cần đặt ống thông do bí tiểu.
       Kích thích thần kinh
        Kích thích dây thần kinh cùng
        Các xung điện nhỏ đến dây thần kinh bàng quang có thể cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
       Khi thực hiện, một điện cực mỏng sẽ được đặt ở vị trí gần xương cụt nơi dây thần kinh cùng đi qua. Các dây thần kinh cùng sẽ mang tín hiệu điện đến bàng quang của bạn.
       Thủ tục xâm lấn tối thiểu này thường được thử nghiệm bằng cách đặt một sợi dây dẫn điện dưới da ở thắt lưng của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay kết nối với dây dẫn để truyền xung điện đến bàng quang. Điều này tương tự như hoạt động của máy tạo nhịp tim
       Nếu thử nghiệm giúp cải thiện các triệu chứng, bác sĩ sẽ phẫu thuật cấy một máy tạo xung chạy bằng pin vào cơ thể bạn, để kiểm soát các dây thần kinh.
       Kích thích dây thần kinh chày qua da (PTNS)
       Phương pháp này sử dụng một cây kim nhỏ xuyên qua vùng da gần mắt cá chân. Nó đưa kích thích điện từ dây thần kinh ở chân, gọi là dây thần kinh chày, đến cột sống và kết nối với các dây thần kinh kiểm soát bàng quang tại đó.
     Phương pháp điều trị PTNS được thực hiện mỗi tuần một lần trong 12 tuần để điều trị các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Sau đó, điều trị 3 đến 4 tuần một lần sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng.
        Phẫu thuật
       Phẫu thuật điều trị bàng quang tăng hoạt chỉ áp dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Mục tiêu nhằm cải thiện khả năng chứa nước tiểu của bàng quang và giảm áp lực trong bàng quang.
       Phương pháp phẫu thuật gồm:
     • Phẫu thuật mở rộng bàng quang. Phương pháp này sử dụng một đoạn ruột thay thế một phần của bàng quang. Người bệnh thực hiện phẫu thuật này có thể cần phải sử dụng ống thông suốt đời để làm trống bàng quang.
         • Cắt bỏ bàng quang. Phẫu thuật này được sử dụng như là phương sách cuối cùng. Quy trình phẫu thuật gồm cắt bỏ bàng quang và tạo hình một bàng quang thay thế, hoặc dẫn lưu niệu quản ra da và gắn với một túi chứa nước tiểu ngoài da.

Tác giả bài viết: Uông Vân Anh, BSNT 47 – Đại học Y Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây