Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập209
  • Hôm nay44,260
  • Tháng hiện tại1,002,787
  • Tổng lượt truy cập20,899,270

CHĂM SÓC ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI SAU ĐỘT QUỴ NÃO

Thứ sáu - 13/12/2024 03:55 208 0
I. Tổng quan:
Rối loạn chức năng bàng quang là một vấn đề lâm sàng phổ biến và quan trọng ở bệnh nhân đột quỵ. Khoảng 40-60% bệnh nhân sống sót sau đột quỵ có các vấn đề về đường tiết niệu dưới. Tiểu không tự chủ sau đột quỵ não ảnh hưởng nhiều đến kết quả hồi phục, thời gian nằm viện cũng như chất lượng cuộc sống, khả năng tham gia các hoạt động trong xã hội của bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức trên lâm sàng.
 
Đột quỵ càng nghiêm trọng thì khả năng tiểu không tự chủ càng cao. Các yếu tố nguy cơ khác gây tiểu không tự chủ ở bệnh nhân đột quỵ bao gồm tuổi cao, giới nữ, khó khăn trong giao tiếp, vận động, khiếm khuyết trong chức năng sinh hoạt hoặc suy giảm nhận thức. Các vấn đề bệnh nhân gặp phải có thể từ bí tiểu đến tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt. Trong đó, tiểu không tự chủ, tiểu gấp là dạng rối loạn thường gặp nhất.
II. Chẩn đoán các rối loạn tiểu tiện ở bệnh nhân đột quỵ
Bảng: Các loại rối loạn bàng quang sau đột quỵ não
Loại Triệu chứng Nguyên nhân
Tiểu không tự chủ (bàng quang tăng hoạt) Tiểu không tự chủ liên quan đến tình trạng tiểu gấp và tiểu nhiều lần hoặc tiểu đêm. Tổn thương do đột quỵ gây tổn thương trực tiếp đến đường dẫn thần kinh tiểu tiện.
Tiểu tràn đầy (bàng quang giảm phản xạ) Nước tiểu rỉ liên tục và/hoặc nhỏ giọt.
Liên quan đến tình trạng bí tiểu cấp tính/mãn tính, dòng nước tiểu yếu và rặn khi đi tiểu.
Mất trương lực bàng quang trong giai đoạn cấp của đột quỵ. Lưu ý, nguyên nhân bệnh lý gây mất trương lực bàng quang chưa được hiểu đầy đủ.
Tiểu không tự chủ chức năng Tiểu không tự chủ mặc dù bàng quang hoạt động bình thường. Nguyên nhân gián tiếp do khuyết tật về nhận thức hoặc vận động, khiến bệnh nhân không thể di chuyển đến nhà vệ sinh hoặc biểu lộ nhu cầu đi tiểu.
Tiểu không tự chủ phản xạ và tiểu không tự chủ kèm theo suy giảm nhận thức Giảm nhận thức về tình trạng đầy bàng quang. Thực hiện theo mô hình đi tiểu bình thường. Đột quỵ tuần hoàn trước toàn bộ hoặc một phần
có tổn thương mới ở đỉnh và dưới vỏ não.
Chẩn đoán phụ thuộc vào khai thác triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
- Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu: loại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn
- Nhật ký nước tiểu: được ghi nhận trong ít nhất 03 ngày.
- Đo động học bàng quang bằng máy, cột thước nước...
III. Chương trình phục hồi chức năng bàng quang:
Chương trình phục hồi chức năng bàng quang đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện các triệu chứng đường tiết niệu dưới sau đột quỵ. Chẩn đoán dạng rối loạn bàng quang sẽ giúp đưa ra phương án phục hồi chức năng hiệu quả. Hiệu quả của chương trình phụ thuộc vào nhận thức, sự hợp tác, và khả năng độc lập của bệnh nhân.
     Các yếu tố chung trong chương trình chăm sóc chức năng bàng quang:
  • Uống đủ nước: nhu cầu nước thông thường của cơ thể người trưởng thành trung bình 1,5 – 2 lít nước/ngày.
  • Giảm cân (nếu thừa cân) có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: bỏ thuốc lá, caffeine, bia...
     Các phương pháp cụ thể theo loại rối loạn bàng quang, với mục tiêu bao gồm: làm rỗng bàng quang và duy trì áp lực trong bàng quang thấp.
1. Tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt
Là dạng rối loạn bàng quang thường gặp sau đột quỵ não, liên quan đến vấn đề tăng hoạt động cơ chóp bàng quang. Các triệu chứng thường gặp là tiểu gấp, rỉ tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu đêm.
  • Kết hợp đi tiểu theo thời gian (timed voiding) và tập luyện bàng quang (bladder retraining).
  • Đi tiểu theo thời gian là biện pháp can thiệp trong đó bàng quang được làm rỗng theo các khoảng thời gian đều đặn (trước khi bàng quang đầy) để tránh tình trạng buồn tiểu gấp, tiểu không tự chủ.
  • Tập luyện bàng quang yêu cầu bệnh nhân phải tăng dần khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu.
  • Mục tiêu là đưa bệnh nhân trở lại trạng thái đi tiểu “bình thường”.
  • Có thể sử dụng các kỹ thuật đánh lạc hướng để ngăn chặn cơn buồn tiểu (đặc biệt ở các bệnh nhân có triệu chứng bàng quang tăng cảm giác).
  • Thuốc: thuốc kháng muscarinic (oxybutinin, solifenacin...), thuốc cường beta giao cảm (mirabegron), Thuốc ức chế phosphodiesterase-5...
  • Các phương pháp điều trị khác:
  • Kích thích thần kinh cùng, thần kinh chày qua da; kích thích thần kinh cùng xâm lấn;
  • Tập mạnh cơ sàn chậu;
  • Tiêm botulium toxin vào cơ chóp bàng quang;
  • Điện châm
2. Tiểu tràn đầy (bàng quang giảm hoạt)
Cơ chế gây giảm hoạt bàng quang sau đột quỵ não chưa được biết đầy đủ. Bàng quang giảm hoạt thường gặp trong giai đoạn đột quỵ não cấp với các triệu chứng thường gặp như bí tiểu, rỉ tiểu liên tục, tia tiểu yếu, tiểu phải rặn.
Trong giai đoạn cấp của đột quỵ não, có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đặt thông tiểu lưu. Bàng quang giảm hoạt sau đột quỵ não thường tự hồi phục mà không cần can thiệp. Nếu tình trạng bàng quang giảm hoạt kéo dài, có thể sử dụng phương pháp đặt thông tiểu ngắt quãng.
Chỉ nên xem xét các biện pháp làm rỗng bàng quang sau đây khi đã đánh giá đường tiết niệu toàn diện để chắc chắn bệnh nhân không có áp lực trong lòng bàng quang cao. Các phương pháp có thể được sử dụng là phương pháp tăng áp lực trong bàng quang bằng tay (động tác Crede) hoặc tăng áp lực trong ổ bụng (nghiệm pháp Valsalva). Hai biện pháp trên được phối hợp cùng với phương pháp đi tiểu theo giờ (timed voiding) để tránh tình trạng rỉ tiểu. Lưu ý: cần đảm bảo áp lực bàng quang thấp và làm rỗng bàng quang khi thực hiện các biện pháp này.
3. Tiểu không tự chủ chức năng
     Ở trường hợp này, chức năng bàng quang của bệnh nhân bình thường, tuy nhiên, bệnh nhân gặp các vấn đề về tiểu tiện do các vấn đề liên quan đến nhận thức, khả năng vận động. Phương pháp nhắc nhở tiểu tiện (prompted voiding) được sử dụng ở nhóm bệnh nhân này.
4. Tiểu không tự chủ phản xạ
     Bệnh nhân giảm cảm giác đổ đầy bàng quang, trong đó, chức năng bài xuất bàng quang diễn ra bình thường. Tiểu không tự chủ phản xạ thường gây ra các sự cố tiểu tiện trên lâm sàng. Một số phương pháp có thể được sử dụng như ống thông tiểu chụp ngoài, bỉm, các dụng cụ chứa nước tiểu ngoài. Có thể sử dụng phương pháp nhắc nhở tiểu tiện hoặc đi tiểu theo giờ (nếu bệnh nhân tỉnh táo) để giảm bớt sự cố tiểu tiện.
     Các rối loạn chức năng đường tiết niệu dưới sau đột quỵ não là rất phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và khả năng tham gia các hoạt động của bệnh nhân. Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương là một cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cũng như đội ngũ bác sĩ chuyên môn về lĩnh vực này. Khi bệnh nhân gặp các sự cố về tiểu tiện sau đột quỵ não nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị với các phương pháp phù hợp nhất./.

 

Tác giả bài viết: ThS.BSNT Nguyễn Thị Hạnh – Khoa PHCN Tổn thương tủy sống

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây