Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm204
  • Hôm nay50,793
  • Tháng hiện tại1,387,457
  • Tổng lượt truy cập18,326,558

HỒI KÝ CỦA NỮ BÁC SỸ VỀ MỘT CA BỆNH KHÓ

Thứ tư - 20/09/2023 05:10 5.163 0
HỒI KÝ CỦA NỮ BÁC SỸ VỀ MỘT CA BỆNH KHÓ
          Sau gần 05 năm, gặp lại người phụ nữ (sản phụ) Lương Thị Tiềm hôm nay không ai có thể tưởng tượng được những ngày đầu khi cô ấy đến với Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương. Đó là khi cô ấy vừa trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm về cột sống cổ tại Bệnh viện Việt Đức.
          Bệnh nhân Lương Thị Tiềm sinh năm 1986, là một người dân tộc Thái sinh sống ở vùng quê nghèo nằm ở tận xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Cuộc sống nơi đây chủ yếu dựa vào đồng ruộng, nương rẫy. Trong một lần mưu sinh khi đang trên đường đi gặt lúa, chị bị chiếc xe tải cuốn vào gầm. Lúc này, bệnh nhân đang mang thai kì tháng thứ 3. May mắn Tiềm cùng đứa con trong bụng không bị tử thần mang đi nhưng tứ chi thì bị liệt hoàn toàn.
Bệnh nhân Lương Thị Tiềm khi mới về Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương
         
          Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện phụ sản Trung ương đã hội chẩn với mong muốn có thể đình chỉ thai để an toàn cho việc điều trị người mẹ, song sau các cuộc hội chẩn việc đưa ra quyết định rất khó khăn bởi thể trạng mẹ quá suy kiệt. Sau ca mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh nhân Lương Thị Tiềm được chuyển viện điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương ngày 11/6/2019. Tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy, hình ảnh một người phụ nữ với tình trạng cơ thể suy kiệt nặng, liệt tứ chi, đặc biệt liệt cơ hô hấp rất nặng, ấy vậy mà cô lại đang mang trong mình một bào thai 11 tuần tuổi.

          Ngày đầu tiên gặp Tiềm tôi đã thực sự xúc động và dường như có 1 sự đồng cảm tự nhiên nào đó. Bởi, xuất thân của Tiềm cũng là một người phụ nữ dân tộc thiểu số, sinh sống ở một vùng quê nghèo như tôi. Nay lại phải trải qua một cơn bạo bệnh, người phụ nữ ấy và gia đình của họ thực sự là bế tắc, họ không thể biết làm gì ngoài sự thuyên chuyển và sắp đặt của thầy thuốc trong khi đến cái ăn hàng ngày còn chưa đủ - những cái nghèo, cái khổ của người dân tộc thiểu số miền núi mà tôi đã từng nếm trải. Nghe giọng nói yếu ớt, tiếng thở khò khè đờm hầu họng mà cô không thể ho khạc nổi, tình trạng liệt tứ chi và đặc biệt liệt cơ hô hấp rất nặng, rối loạn cơ tròn. Ban lãnh đạo bệnh viện và trực tiếp là Tiến sĩ, Bác sĩ Cầm Bá Thức - nay là Giám đốc bệnh viện đã giao trách nhiệm này cho Khoa cấp cứu – Điều trị tích cực. Bác sĩ Thức đã nói một câu mà có lẽ trong cuộc đời hành nghề tôi sẽ không thể nào quên được, đó là: Bệnh nhân này chị không nhận thì họ biết đi đâu.”
Bệnh nhân Tiềm khi mới về Khoa Cấp cứu, thể trạng ngày càng suy kiệt.
          Trước đó, tôi cũng chẳng dám tin mình có thể làm được gì hơn cho cô ấy. Tuy nhiên, câu nói của bác sĩ Thức đã trở thành động lực, dấy lên trong tôi sự quyết tâm mãnh liệt rằng: “Mình phải giúp đỡ và cứu sống người bệnh này”. Kể từ đó, tôi đã bắt đầu lập kế hoạch điều trị một cách tỉ mỉ để chăm sóc một sản phụ liệt tủy cổ đặc biệt đầu tiên trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc của mình. Trước tiên phải hội chẩn để mở khí quản cho người bệnh nhằm thuận lợi cho chăm sóc đường hô hấp, nhưng để bảo vệ người bệnh không bị nhiễm trùng bệnh viện trong suốt quá trình điều trị quả là thách thức quá lớn. Hơn nữa, đây là một sản phụ suy kiệt, liệt tủy cổ nặng. Vậy mà dường như mọi sự may mắn đã mỉm cười với cô ấy cũng như với cả tập thể Khoa cấp cứu – Điều trị tích cực của chúng tôi. Suốt 5 tháng điều trị cô ấy không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn, không phải dùng một viên kháng sinh nào. Bằng tất cả sự tận tâm, sự sẻ chia về tinh thần và đặc biệt sự giúp đỡ rất lớn về vật chất từ các nhà hảo tâm trong cả nước, sau 37 tuần một em bé trai đã chào đời trong niềm vui và hạnh phúc của tất cả mọi người trong đó có tôi.
Bé trai trong bụng bệnh nhân Tiềm đã được ra đời an toàn ở tuần thứ 37.
          Sau khi sinh con, cô ấy đã để con cho gia đình chăm sóc và quay về Bệnh viện tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng. 05 tháng sau cô ấy đã bình phục ngoài sức tưởng tượng, đã tự đi lại bằng khung tập, có thể bế con mình trên tay. Ngày bệnh nhân Tiềm ra viện cũng là những ngày trước thềm chào đón năm mới. Đó đã là món quà tết vô cùng to lớn mà không có phần thưởng nào sánh được, tôi sẽ không bao giờ quên.
          Hiện nay cô ấy có thể tự tay chăm sóc con và làm các việc nội trợ trong gia đình
 
 
 
Bệnh nhân Tiềm sau khi phục hồi
          Sự hồi phục của bệnh nhân Tiềm giống như có phép màu, nhưng cũng là sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương.
Tôi thật sự rất tự hào cũng như biết ơn:
        -  Tập thể Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Khoa Phục hồi chức năng tổng hợp Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương. Họ đã luôn đồng hành, kề vai sát cánh, trợ giúp tôi trong quá trình điều trị cho sản phụ Lương Thị Tiềm.
        - Tiến sĩ, bác sĩ Cầm Bá Thức đã luôn chỉ đạo sát sao, tiếp thêm động lực cho các cán bộ y tế và là người đã kết nối với phóng viên báo Dân trí, nhờ kênh thông tin này mà các nhà hảo tâm đã biết đến và gửi tiền, quà cả trực tiếp và gián tiếp giúp người bệnh (tổng số tiến được chuyển tới bệnh nhân Tiềm lên tới khoảng 600 triệu đồng) . Nhờ đó mà bệnh nhân và gia đình cô có thêm những bữa ăn đầy đủ chất, được tăng cường dinh dưỡng cho người bệnh nâng cao thể trạng từng bước hồi phục.
          Hàng năm, chị Lương Thị Tiềm cùng người nhà vẫn giành thời gian để đến thăm, cũng như ôn lại những kỷ niệm cùng tập thể Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương. Có lẽ những kỷ niệm đáng giá đó sẽ được giữ mãi trong tâm trí không chỉ cá nhân tôi, tập thể y bác sĩ của bệnh viện mà còn trong cả trái tim của người sản phụ đặc biệt này. Chúc cho cô ấy luôn bình an, chúc chàng trai của mẹ Tiềm chóng lớn để không phụ lòng mong đợi của tất cả mọi người!
Bệnh nhân Tiềm và con trai thăm Khoa và Bệnh viện năm 2022

Người viết hồi ký
BSCKI Lang Thị Tân, Trưởng khoa Cấp cứu – Điều trị tích cực, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương.

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây