Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập230
  • Hôm nay37,511
  • Tháng hiện tại1,115,985
  • Tổng lượt truy cập25,888,061

NHẬT KÝ: KỶ NIỆM ĐƯỜNG 9 NAM LÀO

Chủ nhật - 20/04/2025 22:26 15 0
        Chiến thắng 30-4 là một dấu mốc vinh quang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là biểu tượng rực rỡ của tinh thần cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ nét bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam. Ngày 30/4/1975 mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là khoảnh khắc chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, hòa bình lan tỏa khắp mọi miền. Ngày 30/4 là ngày đoàn tụ, khi non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp trong niềm vui thống nhất.
        Kỷ niệm Đường 9 là một nội dung trong cuốn Nhật ký được viết từ ngày 23/10/1968 đến ngày 22h37p ngày 02/02/1969 trong chiến trường đầy khói lửa. Tôi xin viết lại nội dung trong cuốn Nhật ký của người đồng chí ấy:
 
        Tiểu đội 9 ở lại chiến đấu, tiểu đội 7 và 8 bí mật rút. Tôi vừa hô dứt câu thì một mảnh đạn pháo lao thng vào cẳng tay trái tôi, khiến khẩu súng văng bắn ra nơi khác. Chạy lại nhặt súng bắn được một loạt đạn nữa thì xe tăng địch chỉ còn cách chúng tôi khoảng 50m chiến sỹ B40 NGUYỄN VĂN BẠO đã kết thúc chuyến đi của con bò hung gian ác ấy. Súng địch các cỡ từ những xe tăng khác như trút đạn về phía chúng tôi. Tình hình rất căng thẳng tôi hạ lệnh tiểu đội 9 rút và cuối cùng chúng tôi đã lùi vào xóm 10 an toàn. Bộ binh và xe tăng địch tràn lan trận địa nhưng chỉ thấy trận địa không người, chúng ngơ ngác nhìn nhau. Cùng lúc ấy tọa độ pháo bờ bắc lao tới chúng kêu la inh ỏi và bỏ chạy toán loạn.
          Hai ngày sau tôi được lệnh đi Bệnh viện điều trị, thế là tôi phải xa nơi chiến trường quen thuộc và xa những gì đáng quý nhất. Đó chính là tình đồng chí cùng giai cấp, cùng lý tưởng đã từng chia ngọt xẻ bùi với nhau trong những lúc nguy nan và khoái lạc. Chuyến đi viện điều trị không kèn không trống này quả thật là vô tình với ngày hôm nay.
          Tôi đang được an dưỡng và điều trị tại một bệnh viện ở đất tỉnh nhà. Tôi không còn hy vọng gì để được tận mắt trông thấy các bạn chiến đấu nữa các bạn ạ. Trong cuộc chiến tranh này ai có thể lường trước được sự việc, tôi ân hận lắm. Trong lúc tạm biệt các bạn tôi thật là vô tình và như vậy là tôi đã xa đơn vị vĩnh viễn. Mong các bạn thông cảm và tha lỗi cho tôi.
          Còn trung sĩ  NGUYỄN HÙNG KHUÊ và hạ sĩ TRẦN TRUNG LƯƠNG, 2 em kết nghĩa của anh! Giờ phút này em đang suy nghĩ gì đây? Nhưng không ... anh vẫn nhìn thấy 2 em đang lao vào đồn địch, còn riêng KHUÊ có lẽ đã toại nguyện theo ý muốn. Em đang phát huy trận đánh ngày 11/6 ôm bộc phá nhảy lên xe tăng địch ... thật là tuyệt diệu, anh muốn rằng 2 em vẫn khỏe và lúc nào cũng vậy.
          Được sự chăm sóc và giúp đỡ ân cần của các đồng chí chuyên môn trong quân y viện. 2 tháng sau vết thương ở tay và bên sườn đã khỏi, sức khỏe đã hồi phục tương đối, tôi được chuyển về đơn vị an dưỡng, ở đây cũng tương đối đầy đủ về đời sống và sinh hoạt, thoải mái tư tưởng. Song, những hình tượng đó khiến tôi lại càng nhớ tới chiến trường TRỊ THIÊN quen thuộc, tới mảnh đấy GIO LINH yêu dấu, tới nơi xảy ra trận đầu tiên giáp mặt với quân thù ở điển cao 28 Đông Bắc - Gio Tinh – Quảng Trị khiến tôi và tâm trí trí óc tôi phải sáng tác ra thơ ca ngợi:
Ôi! Cao điểm thép anh hùng bất diệt
Khi súng ta nổ dòn vào đội quân chết tiệt
Ta thấy em cưới lúc nòng súng ta đang còn nóng hổi
Gió từ phương nam đang chào ta nhẹ thổi
Với niềm tin của mảnh đất GIO LINH
Và hôm nay trước giờ súng nổ
28 ơi bao ngày ấp ủ
Trái tim ta trong lửa đạn bom rền
Giữ trọn lời thề ta vững bước tiến lên
Ta sẽ thấy em cười trong khói lửa
Ta sẽ thấy trái tim em còn đó
Nhịp đập êm sao như tiếng mẹ du con
Như mái chèo xua đẩy chiếc thuyền son
Trong đêm tối – trên mặt hồ phẳng lặng
28 ơi! Lòng ta mang nặng
Ta cùng em bao nhiêu ngày dầm mưa dãi nắng
Giữ trọn lời thề của tổ quốc tin yêu
Ta cùng em bất cứ sáng hay chiều
Nếu chúng đến bên em,
Có anh tiêu diệt chúng
Rạng rỡ những chiến công
Của cao điểm tin yêu và bất diệt
28 em yêu! Hỡi cao điểm thép.
        Sáng tác xong mấy vần thơ này tôi ngồi ngâm đi ngâm lại để thêm phần kỷ niệm xâu xa mà có thể ngàn năm không xóa được trong ký ức. Chính điểm cao này đã cùng tôi lăn lộn với quân thù từ 6 giờ sáng ngày 11/6/1968 đến 18h35’ trong từng giờ của ngày đó đầu óc tôi vô cùng rạo rực trước cảnh tượng sống còn và sự uy hiếp của một trung đoàn ngụy có xe tăng đại bác và máy bay cứu hộ. Vào chính cao điểm này đa rèn luyện tu dưỡng và ý chí cách mạng, mưu trí dũng cảm, hoạt bát cho tôi và cũng là bước tiến vững chãi trong đời tôi. Bởi vì mảnh đất nhỏ của GIO LINH đã cho tôi tâm hồn của Các mác ăng ghen và ê vích vlađi mia Lê Nin. Từ đó tôi thật sự trở thành người buôn sê vích chính cống. Lưu luyến làm sao khi ngồi ở mảnh đất trang nhã, bình dị của quê hương hình dung lại những giờ phút chiến đấu ấy, những kỷ niệm sâu sắc ấy.
        Trong đời lính chiến trong cuộc sống và chiến đấu thật sự quên sao được những o dân quân của GIO AN – CAM LỘ, họ đang vững chãi dão bước trên mảnh đất quen thuộc nơi chôn nhau cắt rốn của họ, họ đang chiến đấu để bảo vệ chính lý, bảo vệ bầu trời trong sáng của non sông Việt Nam, mưu lại hạnh phúc cho chính gia đình và bản thân họ. Bởi vậy cho nên họ không ngại gian khổ trong những lúc đưa bộ đội vào nơi tập kết, họ không hề tính toán đến chuyện sống chết trong lúc đi nắm tình hình địch hoặc chui vào đồn địch trinh sát. Họ rõ ràng đã dũng cảm vững tay lái đưa bộ đội qua sông để đánh địch trong tầm pháo kích và bom tọa độ của quân thù trong những hình tượng bom rơi đạn nổ như vậy, họ vẫn tươi cươi và đảm bảo an toàn cho bộ đội vượt sông thật là:
Trên dòng sông bến hải
Thuyền em vui lướt mãi
Đưa bộ đội qua sông
Với em cả tấm lòng
Của người con đất thép
Em ơi! Em tuyệt đẹp
Vẻ đẹp người Gio Linh
Em chan chứa bao tình
Hỡi em ... người đất lửa
Em ơi! Em chan chứa ...
Dù bom đạn quân thù
Dù bờ nam âm u
Có thuyền em dọi sáng
Có thuyền em nhã đạn
Trên khắp nẻo chiến trường
Yêu biết mấy tình thương
Của chàng trai giải phóng.
        Và chính bản thân tôi cũng đã phục và từng ca ngời những người con gái ở nơi đất thép anh hùng đó. Hôm nay, tôi có điều kiện và thời gian suy nghĩ xa, nghĩ gần, nghĩ đến những người bạn chiến đấu, đến liệt sĩ LÊ THIỆN GIẢM người trung đội trưởng vui tính, đầy thông minh và sáng tạo như liệt sĩ VŨ QUỐC KHÍNH đã anh dũng một mình bẻ gãy 5 đợt tấn công của quân thù, đến MAI VĂN VÊ, một chiến sĩ xạ thủ trung liên đang kìm chế hỏa lực ở lỗ Châu Mai địch. Đến NGUYỄN VĂN TÀI xạ thủ B40 chờ xe tăng địch cách mình 5 mét mới hạ thủ, vv... và vv... và nhớ nhất là 2 em kết nghĩa đang căng bầu nhiệt huyết xông pha trong lửa đạn. 2 em của anh ơi! Anh chắc hẳn 2 em vẫn sống và chiến đấu như những ngày vừng dương sáng tỏa. 2 em đã cùng anh thấu hiểu hết nỗi lòng cùng chia ngọt xẻ bùi, các em có nhớ chăng những ngày vào đồn địch trinh sát, chúng ta đã ăn kẹo Mỹ, hút thuốc Mỹ, nào là Xalem, quận tiếp vụ, ra son vv... hòa lẫn với tiếng cười trong trẻo măng sữa của em LƯƠNG, đượm tình êm ái giọng hát của em KHUÊ. Anh còn nhớ lắm đầu óc anh còn minh mẫn lắm 2 em ạ. Hay những đêm trăng về 3 anh em mình ngồi dưới trăng tâm sự khiến chị hằng nga phát thèm thuồng liếc nhìn. Anh biết rằng chính 2 em đã trưởng thành mà có lẽ đã hơn anh về mọi mặt rồi, 2 em đừng cười anh nhé. Anh mong rằng ngày gặp lại của chúng ta là thế đấy còn địa điểm gặp anh cũng không thể đoán trước được, có thể là trên bước đường công tác và chiến đấu, cũng có thể là ở 1 trong 3 quê hương của chúng ta, mà cũng có thể là ở khách sạn ga hàng cỏ Hà Nội hoặc khách sạn Sầm Sơn quê anh ... còn giờ phút này anh chỉ biết và thường gọi thầm tên 2 em LƯƠNG ... KHUÊ .. KHUÊ ... KHUÊ ... LƯƠNG ơi! Khiến anh phải tự nhủ mấy câu thơ kỷ niệm 2 em.
Nhớ lắm KHUÊ – LƯƠNG ơi! Anh nhớ lắm
Nhớ cả tiếng cười và 2 em đi đứng
Dưới ánh trăng tàn phủ nặng yêu thương
Nhớ lại ngày nào ta hành quân ra trận
Dưới ánh trăng mờ
Anh nghe KHUÊ hát
Văng vẳng đôi bờ
Hiền Lương trong mát
Như đáp lại lời em sông dọi sáng
Sông đón 2 em khi chiến thắng trở về
KHUÊ và LƯƠNG chắc đêm nay chưa ngủ
Thổn thức lòng anh trong những buổi chiều về
Bóng chạy dài theo khóm lúa con đê
Khiến lòng anh
Cũng nhớ tới LƯƠNG – KHUÊ       
2 em đang chiến đấu
Nơi Gio Linh yêu dấu
Tiếng gọi của 2 miền
Và anh thấy
2 em đang vững bước tiến lên
Đạp xác thù trong mưa bom bão đạn
Tiêu diệt địch để lập công dâng Đảng.
 
        Thời gian trôi đi quá nhanh, 3 tháng sau tôi muốn tìm vào trung đoàn để lấy giấy sinh hoạt Đảng và gặp lại 2 em cùng các bạn chiến đấu, nhưng trung đoàn đã dời đi nơi khác, một nơi xa lạ mà tôi chưa hề biết. Thế là đã lỡ việc có lẽ vĩnh viễn tôi không được gặp lại 2 em nữa, nhưng dù sao tôi cũng có thể nghe được tim của 2 em. Suy nghĩ hồi lâu tôi liền nhẫn tâm đặt ngòi bút hy vọng xuống.
                                                                22h37’ ngày 02/02/1969
                                                                Tác giả:LMS
        Câu chuyện được viết lại dựa trên cuốn Nhật ký của tác giả LMS, cùng đồng đội trong chiến trường Bình Trị Thiên đầy khỏi lửa để giành lại hòa bình cho đất nước ta.  Mong rằng thế hệ trẻ chúng ta, những người sống trong hòa bình hãy ghi nhớ công lao của cha ông chúng ta, để từ đó phát huy lòng yêu nước bằng cách chung tay góp sức xây dựng đất nước phát triển ngày càng phồn vinh.

Tác giả bài viết: Lê Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây