Trước đó, anh Iizuka đã học 5 năm tại trường Quốc tế Sức khỏe và phúc lợi Sunvillage tại Nhật Bản, là nơi anh đã học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức trong hoạt động trị liệu. Sau khi ra trường anh Iizuka đã làm việc tại Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Nishijima 7 năm trước khi sang Việt Nam.
Tuy là lần đầu tiên sang Việt Nam nhưng với Iizuka, Việt Nam rất gần gũi với Nhật Bản.
Có nhiều nét tương đồng giữa quê hương anh và Việt Nam. Thời niên thiếu anh sống tại tỉnh Shizuoka, một tỉnh ven biển phía Đông Nam Nhật Bản cũng có nhiều điểm giống với tỉnh Thanh Hóa nơi anh đang làm tình nguyện viên. Bệnh viện nơi anh làm nhìn ra biển, khi mới sang làm việc anh không khỏi ngạc nhiên vì có những bệnh nhân ra bơi ở biển rồi để nguyên quần áo ướt đi vào bệnh viện chữa bệnh. Anh thường nói đùa là những bệnh nhân đó thì không cần phải tập phục hồi chức năng nữa.
Chia sẻ lý do tại sao lại muốn tham gia chương trình tình nguyện viên, anh Iizuka tâm sự: “Lý do đầu tiên bắt nguồn từ chuyến du lịch tới Campuchia, anh đã chứng kiến những phương pháp sơ cứu khi có tai nạn giao thông và khi thấy những người khuyết tật ở trên phố, anh quan tâm, muốn tìm hiểu tình hình y tế và phục hồi chức năng ở những nước đang phát triển.”
Anh Iizuka thực sự muốn chia sẻ và học tập với các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu tại các nước khác. Ngoài ra, đươc trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài cũng là cơ hội rất đáng quý đối với anh theo phương châm “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”
Lý do chọn Việt Nam, Iizuka chân tình chia sẻ rằng anh rất muốn làm việc ở một nơi có thể nhìn ra biển giống như miền đất anh ở thời niên thiếu... Bên cạnh đó vì trước khi tới Việt Nam, anh biết có rất nhiều người Việt cũng yêu quý nước Nhật nên anh mong có thể chia sẻ và nói chuyện nhiều với mọi người về y tế và văn hóa. Anh còn hóm hỉnh đùa rằng “ Tôi nghe nói người Việt Nam thích uống rượu, tôi cũng rất thích uống rượu nên tôi nghĩ tôi sẽ được uống nhiều rượu.” Hơn thế nữa, ở Việt Nam anh cũng như nhiều người bạn Nhật Bản, cảm thấy rất an toàn và gần gũi.
Kể về hoạt động của mình từ khi là tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Iizuka cho biết “Tôi cũng làm việc như một kỹ thuật viên hoạt động trị liệu Việt Nam tại bệnh viện, đó là điều trị phục hồi chức năng cho các bệnh nhân nội trú và ngoại trú (Bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, bệnh nhân sau chấn thương, bệnh nhân nhi sau phẫu thuật).
Iizuka hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng cho các bệnh nhân, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo…).
Ngoài ra là nhiệm vụ lắng nghe những lo lắng của bệnh nhân và hướng dẫn người nhà họ cách chăm sóc.
Bên cạnh đó anh còn chia sẻ, truyền đạt tới các đồng nghiệp Việt Nam về kỹ thuật hoạt động trị liệu của Nhật Bản. Đó là đánh giá bệnh nhân trước khi điều trị (kiểm tra, đánh giá, quan sát, theo dõi các chức năng của cơ thể, xem chức năng nào đã mất đi, chức năng nào còn lại, sau đó tìm hiểu nhu cầu của bệnh nhân).
Anh cùng các đồng nghiệp tiến hành điều trị, phục hồi chức năng; quản lý cơ thể của bệnh nhân (kiểm tra nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, ứng phó khi có thay đổi); động viên bệnh nhân (kích thích não, cải thiện ý chí của bệnh nhân). Đặc biệt, anh còn làm các thiết bị/ dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng (chế tạo từ những đồ vật sẵn có ở Việt Nam).
Những dụng cụ này có thể dễ dàng được chế tạo dựa trên những nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam. Việc sử dụng rất dễ nên nhiều bệnh nhân có thể tự mình luyện tập.
Bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi chức năng có thể tự chuẩn bị để luyện tập, giúp giảm bớt căng thẳng cho người bệnh.
Các dụng cụ được chế tạo từ các vật dụng hàng ngày nên chuyển từ việc luyện tập đến sử dụng trong thực tế rất dễ dàng, tạo tính chủ động cho bệnh nhân.
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân nói chung về phòng, chống bệnh, anh Iizuka đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam tự tay thiết kế các áp phích tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, y tế. Trong khi viện không có Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu chính thức nào.
Anh nói tiếng Việt không tốt lắm nhưng các đồng nghiệp của anh tại bệnh viên luôn cố gắng nghe vốn tiếng Việt bập bõm của anh để học các kỹ thuật hoạt động trị liệu. Nhưng thực sự, anh vẫn chưa thể truyền tải được 10% những kiến thức về hoạt động trị liệu. Gần đây, rất nhiều đồng nghiệp đã làm theo những kỹ thuật hoạt động trị liệu mà anh làm, điều đó khiến anh rất vui.
Các dụng cụ hỗ trợ hoạt động trị liệu rất ít, anh cùng đồng nghiệp đều tự tay làm từng thứ một.
Nhưng các dụng cụ hỗ trợ bị giảm dần đi hàng ngày. “Hình như ai đó đã lấy chúng mang đi mất rồi,” anh thật thà kể.
Khi sang Việt Nam sống, anh nhận thấy tỷ lệ phổ cập mạng xã hội ở Việt Nam rất cao nên có thể làm bạn với nhiều người ở nhiều địa phương. Từ khi sang Việt Nam, anh Iizuka đã kết bạn với gần 150 người Việt Nam ở trên Facebook. “Nhìn ảnh avatar ở trên Facebook, tôi thấy có rất nhiều người xinh đẹp nhưng đến khi gặp thực tế thì ấn tượng khác hẳn,” Iizuka cười hồn nhiên.
Sự khác biệt
Ở Việt Nam, số người bị chấn thương sọ não hay phải phẫu thuật chỉnh hình vì tai nạn giao thông nhiều hơn so với ở Nhật Bản. Đặc biệt là có rất nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ với độ tuổi 20~30 bị chấn thương sọ não và người nào cũng bị rất nặng.
Rất ít người có mục tiêu điều trị phục hồi chức năng để quay lại công việc, tìm kiếm việc làm hay làm việc nhà trở lại, hầu hết chỉ dừng lại ở massage hoặc luyện tập bẻ cong khớp. Vì thế, có rất nhiều người phải trở lại viện nhiều lần. Nhiều người trở nên nghèo đi vì phải trả viện phí. Có rất ít bệnh nhân trong số này nở nụ cười.
Anh Iizuka chia sẻ: “Kỹ thuật hoạt động trị liệu ở Nhật Bản là phục hồi chức năng để hồi phục một chức năng nào đó của cơ thể. Chúng tôi ước định về khả năng phục hồi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu ở Nhật Bản đều được học các lớp tư vấn, các kiến thức về tâm lý nên có kỹ thuật tiếp xúc với bệnh nhân và lắng nghe các nhu cầu của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu không chỉ nhìn vào cơ thể của bệnh nhân mà còn quan tâm đến cách sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân, môi trường sống, thể lực, kỹ thuật của người chăm sóc, tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất.”
Khó khăn ở Việt Nam?
Với Iizuka, đó là khi đi trên phố, có những lúc có những chiếc xe máy chở 3-4 người lao về phía anh. Anh Iizuka rất mệt khi phải tránh xe máy. Đặc biệt ở các vùng quê, xe máy đi với tốc độ rất lớn. Iizuka vẫn ví von rằng ở Việt Nam, số lượng xe máy có lẽ còn nhiều hơn dân số.
Là người rất thích xem tivi, nhưng ở Việt Nam, anh không hiểu được các nội dung trên tivi. Vì thế, nếu được, anh rất mong có phụ đề tiếng Nhật ở các chương trình TV.
Sống tại Sầm Sơn là một thành phố nhộn nhịp, có nhiều người uống rượu và có nhiều người hát rất to từ sáng sớm. Iizuka kể rằng anh thấy cả đồng nghiệp và bệnh nhân của mình đều sống rất vui vẻ mặc dù họ nói họ rất nghèo.
Anh Iizuka cũng có những kế hoạch rất cụ thể và gần gũi với cộng đồng. Anh chia sẻ: “Tôi muốn đi thăm quan, học hỏi các bệnh viện ở địa phương khác, các bệnh viện ở miền Trung, miền Nam Việt Nam. Tôi muốn có nhiều người bạn làm ở ngành y tế của Việt Nam.Tôi muốn giới thiệu những dụng cụ hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng Made by K/IIZUKA lên mạng xã hội. Qua đó, có thể chia sẻ thông tin với những bệnh viện ở địa phương hoặc những bệnh viện không có TNV.”/.