Để việc tăng cường nhân lực cho các vùng dịch đạt hiệu quả cao còn cần rất nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là trong điều kiện chưa được đầy đủ tại các bệnh viện dã chiến.
TS BS Lê Ngọc Hải
Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, nhiều đoàn y, bác sĩ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã nhanh chóng lên đường vào Nam chi viện nhân lực cho các bệnh viện dã chiến chống dịch. Tuy nhiên, để việc tăng cường đạt hiệu quả cao còn cần rất nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là trong điều kiện chưa được đầy đủ tại các bệnh viện dã chiến.
Ngày 20/8, trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, TS BS Lê Ngọc Hải, bác sĩ khoa Ngoại của Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, người đã lên đường vào TP HCM tăng cường chống dịch từ ngày 6/8 và hiện đang trực chiến tại Bệnh viện dã chiến số 2, Quận 12, TP HCM, cho biết, khi điều trị tại bệnh viện dã chiến cần các bác sĩ có kinh nghiệm lâm sàng để điều trị, đặc biệt là bác sĩ hồi sức cấp cứu cứng tay.
Bệnh nhân nhập viện không đơn giản chỉ bị mắc Covid- 19 mà còn có các bệnh nền kèm theo, bệnh cấp cứu khác. Vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ, các bác sĩ phải bố trí các tiểu đội đan xen và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, sự lo lắng vẫn thường trực vì có những mắt xích còn yếu hơn....Trực điện thoại chỉ huy từ xa là biện pháp mà êkip của bác sĩ Hải áp dụng để khắc phục tình trạng này.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, theo TS BS Lê Ngọc Hải, để vận hành công việc tốt và nhanh chóng mà không lo lắng, các đoàn nên bố trí, phân công nhân lực cụ thể cho các thành phần như:
Trưởng đoàn: Quản lý chung nhưng yêu cầu phải là bác sĩ hồi sức cấp cứu hoặc có nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng đa khoa để hội chẩn và quyết định các vấn đề chuyên môn. Cần người đủ uy tín và uy lực để điều hành.
Bác sĩ: Cần bố trí trong đoàn có các bác sĩ nội khoa, nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa và đặc biệt là bác sĩ tim mạch - nội tiết, bởi bệnh nền nhiều nhất là tiểu đường và huyết áp.
Điều dưỡng: Điều dưỡng cũng rất cần thiết vì thực hiện thuốc theo y lệnh. Tuy nhiên cần người khỏe mạnh để có thể vận chuyển ô xy trong ca trực, học cách thực hành lấy test đường máu, vặn thay van bình ô xy.
Y tá hành chính: Việc lên thuốc vào máy cũng là một khâu vất vả khi nhiều bệnh viện áp dụng lên thuốc trên máy chưa đều. Vị trí này cần người quen việc để triển khai nhanh nhất. Cần thống nhất lên thuốc buổi chiều hôm trước để thuận lợi bổ sung thuốc cho y lệnh hôm sau. Các biểu mẫu cần ban hành thống nhất chứ làm nhiều mẫu quá sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian không cần thiết.
Dược sĩ: Cần bố trí mỗi đoàn ít nhất 1 dược sĩ đi cùng lo việc cung ứng, nhập thuốc, đổi trả cho thuận lợi.
Kiểm soát nhiễm khuẩn: Đây là một trong những vị trí cực kỳ nhạy cảm, do đó cần có người chuyên làm kiểm soát nhiễm khuẩn đi cùng để đảm bảo yếu tố an toàn.
TS BS Hải và các đồng nghiệp chuẩn bị vào ca trực chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2, Quận 12, TP HCM.
Bên cạnh đó, TS BS Hải chia sẻ thêm, đồ bảo hộ phải đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là khẩu trang. Nếu mỗi bác sĩ vào khám bệnh 2 lần/ ngày sẽ cần tối thiểu 3 cái khẩu trang, 2 bộ bảo hộ tiêu chuẩn cấp 4. Chưa kể, mỗi khi bệnh nhân có diễn biến bất thường, bác sĩ vào kiểm tra là phải dùng 1 bộ bảo hộ. Nếu trang bị không đúng, đủ thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao vì toàn bộ bệnh nhân đang điều trị đều là FO có CT<30 (nồng độ virus cao).
Ngoài ra, bác sĩ Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm về những vật dụng vô cùng bình thường nhưng lại rất cần thiết trong điều kiện của bệnh viện dã chiến. Theo bác sĩ Hải, các bác sĩ tăng cường nên mang theo laptop và máy in, bút viết, hồ dán, ghim giấy để thuận lợi cho công việc trong điều kiện thiếu thốn của bệnh viện dã chiến. Sổ bìa cứng để ghi vì không thể mang xuống khu hành chính do đồ đã mang vào khu phòng bệnh đều không an toàn.
Lên đường tăng cường chống dịch, các bác sĩ nên mang theo từ 4 đến 5 bộ quần áo trở lên để đảm bảo vệ sinh phòng dịch, bởi quần áo phải thay và giặt ngay sau mỗi ca trực.
Bác sĩ Hải tâm sự, vào thực địa mới thấy nhiều khó khăn nên cần phải chuẩn bị và bố trí nhân lực ngay từ đầu, chuẩn bị phương tiện thiết yếu nhất phải đủ để tránh việc không còn áo quần để thay do chưa kịp khô.
“Nơi tập kết cố gắng có không khí thoáng và trong lành để các bác sĩ nhanh lại sức và giảm thiểu rủi ro, tránh việc chưa ra trận đã phải giản tán phiên đội vì Covid-19. Nhiệt tình là cần thiết, song an toàn cho toàn bộ cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân là thực sự cần thiết, phải đặt lên hàng đầu. Mỗi người phải sống cho ít nhất 2 người đó là bệnh nhân và chính mình”, TS BS Lê Ngọc Hải chia sẻ.