Nhật ký trong bệnh viện dã chiến
TS BS LÊ NGỌC HẢI
Một đồng nghiệp mặc bảo hộ dẫn con gái 8 tuổi nhập viện vì nhiễm Covid-19, mỗi câu nói đều như nghẹn ứ, nhờ vả, gửi gắm đồng nghiệp giúp đỡ và cứu con, ca trực ai cũng cay mắt hết.
TS Hải và điều dưỡng Hoan đi thăm bệnh nhân trong ca trực.
Đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương lên đường vào Nam tăng cường chống dịch từ ngày 6/8, đến ngày 9/8, đoàn chính thức nhận nhiệm vụ và được sắp xếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 2, Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Đây là một bện viện dã chiến với sức chứa 2.500 bệnh nhân, được trưng dụng từ một khu chung cư, tiếp nhận tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng, mang bệnh nền, người già, hoặc phụ nữ có thai dưới 34 tuần.
Vì không phải khu thiết kế cho bệnh viện nên điều kiện y tế thiếu thốn đủ bề. Ban Giám đốc bệnh viện bố trí sắp xếp chung cư thành 2 khu A và B mỗi khu 12 tầng và 1 khu hồi sức cấp cứu. Đoàn chúng tôi được phân công phụ trách 3 tầng (4-5-6) trong đó khu 4B là nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng và hậu hồi sức – bệnh nhân sau khi điều trị ở hồi sức ổn định thì chuyển lên 4B.
Y, bác sĩ làm xét nghiệm cho các bệnh nhân.
Với lực lượng 36 thầy thuốc, phải chia cho hồi sức cấp cứu 9 thành viên làm theo dạng 3 ca, 4 kíp/8h một ca tuần hoàn; khu còn lại cứ mỗi ngày trực 2 bác sĩ + 4 điều dưỡng cho 3 tầng, trực liên tục 24h, lại còn phải chia quân cho kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì vậy, dù làm việc mới hơn hai tuần nhưng hầu hết mọi người đã quên mất khái niệm thứ ngày, chỉ còn khái niệm tuần tự. Sáng cứ 7 h đến viện, chiều 17h30 mới về. Nhiều hôm không hết việc ở lại làm luôn cho xong.
Các bữa ăn hàng ngày được dân quân vận chuyển đến viện, do không hợp khẩu vị nấu ăn của người miền Nam nên nhiều bạn ăn được ít. Nhưng nghĩ đến những người phục vụ đã phải vất vả chuẩn bị thức ăn, rồi phục vụ đến tận nơi, nên mọi người trong đoàn đều cố gắng khắc phục.
Nhiều bạn nữ lần đầu xa quê tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em đi xa, đi lâu như thế này, nhưng chúng em quyết tâm cùng đoàn chống dịch cho đến khi hết dịch mới về”. Nhìn nụ cười tươi sáng mà ánh mắt long lanh, tôi cũng chỉ còn biết động viên các em hãy mạnh mẻ hơn nữa, nhất định chiến thắng giặc Covid-19.
Điều dưỡng Dũng đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại phòng hồi sức cấp cứu.
Bên cạnh việc ăn tỏi để tăng sức đề kháng, các bạn trong đoàn đều tuân thủ quy tắc rửa sạch tay sau khi kết thúc các thao tác, tuân thủ bảo hộ cấp 4 dù nóng ướt đẫm mồ hôi. Sau khi về khu ở thì tháo bỏ khẩu trang, phun xịt sát khuẩn, ngâm dày dép trong nước pha Cloramin B; về phòng cởi bỏ ngay lập tức toàn bộ trang phục, rửa lại tay – hít nước rửa mũi 3 lần – xúc họng – rồi tắm. Sự tuần tự và kiên định như thế đã mang lại kết quả bước đầu rất khả quan khi toàn đoàn 3 lần xét nghiệm PCR đều âm tính.
Trưa hôm qua, một đồng nghiệp mặc bảo hộ dẫn con gái 8 tuổi nhập viện vì nhiễm Covid-19, mỗi câu nói đều như nghẹn ứ, nhờ vả, gửi gắm đồng nghiệp giúp đỡ và cứu con, ca trực ai cũng cay mắt hết.
Còn một phòng trống vừa cho bệnh nhân xuất viện nên xếp cháu vào nằm, nhìn căn phòng rộng và lớn quá so với con bé 8 tuổi, người cha vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng vẫn không che được sự lo lắng, bất lực vì “ba không thể ở lại chăm con vì còn phải tham gia chống dịch”. Cảm xúc một lần nữa lại dâng lên, anh em đành sang phòng bên cạnh nhờ luôn 2 nữ bệnh nhân trẻ tuổi mới nhập viện hôm trước chuyển sang ở cùng với cháu bé, mong giúp đỡ con trong đêm đề phòng diễn biến.
Điều dưỡng Hoan sau khi đi thăm bệnh nhân về.
21h kiểm tra thấy con sốt 38,5 độ, vội cho con uống thuốc, nhìn con một mình trong không gian rộng mênh mông mà không có lời nào để tả, 2 bạn ở gian ngoài cùng phòng cũng lo lắng không kém. Không biết có phải vì cũng có con nhỏ nên tôi đồng cảm với hoàn cảnh của các cháu nhỏ hay không, nhưng luôn dành cho các con sự ưu tiên nhất, mọi thủ tục luôn đơn giản nhanh nhất, xử trí an toàn cho các con là ưu tiên hàng đầu. 8 tuổi, nhiễm Covid-19, một mình đi viện mới thấy virus này không từ một ai…
Đêm canh cánh chỉ mong trời sáng, chỉ mong các con, các bệnh nhân không có diễn biến gì!