MỘT SỐ CÂU HỎI TRONG CHĂM SÓC NIỆU KHOA
Ở BỆNH NHÂN TỔN THƯƠNG TUỶ SỐNG (2023)
TS. Cầm Bá Thức
Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TW.
1. Chất liệu nào của ống thông là tốt nhất? chất liệu silicon là tốt nhất, hoặc loại tráng silicon, không nên dùng chất liệu cao su.
2. Dùng cỡ ống thông nào là phù hợp? đối với thông tiểu lưu đường niệu đạo thì nam dùng cỡ 14-16 và nữ 16-18 và không nên quá cỡ 18, với trẻ em và trẻ nhỏ có thể dùng các cỡ thông nhỏ hơn. Đối với thông tiểu lưu qua lỗ mở thông trên xương thì thường đặt ống foley cỡ 22F.
3. Khi đặt thông tiểu lưu nên bơm bao nhiêu ml nước vào bóng chèn của thông foley là vừa? nên bơm 8 đến 10ml là vừa đủ, nếu ít quá bóng chèn sẽ tụt xuống gây tổn thương cổ bàng quang, nếu nhiều quá bóng chèn sẽ nổi cao và gây rò rỉ nước tiểu. Đối với thông tiểu lưu qua lỗ mở thông trên xương thì thường đặt ống foley cỡ 22F và có bơm kớp 10ml.
4. Cố định ống thông như thế nào:
- Thông tiểu lưu qua đường niệu đạo
+ Đối với nam: cần cố định vào hố chậu, tránh gập góc và tạo sự đè ép gây lỗ dò góc dương vật bìu về sau này;
+ Đối với nữ: dán vào mặt trong đùi
- Thông tiểu lưu qua lỗ mở thông trên xương mu: Có thể dán ở hố chậu hoặc mặt trong đùi đều được;
5. Khi nào cần thay thông tiểu lưu
Đối với thông tiểu lưu qua đường niệu đạo thì định kỳ thay hai tuần mỗi lần
Đối với thông tiểu lưu qua lỗ mở trên xương mu thì định kỳ thay mỗi tháng một lần;
6. Khi lưu thông tiểu có cần phải kẹp ống thông lại và mở ra ba giờ mỗi lần không? Đối với bệnh nhân liệt tủy hoàn toàn thì không cần phải kẹp thông vì bệnh nhân liệt tuỷ hoàn toàn không giống với các bệnh nhân khác: ở giai đoạn sốc tuỷ bàng quang bất hoạt (rão ra); khi hết giai đoạn sốc tuỷ, nếu tổn thương trên tuỷ cùng bàng quang sẽ tăng hoạt, khi kẹp thông lại sẽ càng gây tăng hoạt cơ bàng quang và gây trào ngược nước tiểu lên thận, nguy cơ viêm thận và tử vong rất cao; nếu tổn thương tại tuỷ cùng và đuôi ngựa bàng quang sẽ bất hoạt, khi kẹp thông lại sẽ có nguy cơ ứ niệu, tổn thương thành bàng quang, nhiễm khuẩn tiết niệu và trào ngược. Bệnh nhân liệt tủy không hoàn toàn thì tùy từng trường hợp, dựa trên lâm sàng mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định.
7. Chăm sóc thông tiểu lưu thế nào:
Hàng ngày phải theo dõi lượng nước tiểu, mầu sắc nước tiểu
Đối với thông tiểu lưu qua niệu đạo: hàng ngày phải vệ sinh miệng sáo, đoạn ống thông gần miệng sáo bằng dung dịch nước muối có pha Betadin 0,05% đến 1% chấm betadin 10% vào miệng sáo để tránh nhiễm trùng từ bên ngoài vào;
8. Khi nào thì rút thông tiểu lưu? rút càng sớm càng tốt và chuyển sang thông tiểu sạch cách quãng. Nếu thấy cần thiết phải để thông tiểu lưu lâu thì nhất thiết phải mở thông bàng quang trên xương mu.
9. Một quy trình điều trị niệu thần kinh thông thường ở bệnh viện gồm những gì? xác định là điều trị niệu khoa được ưu tiên, chức năng thận còn bình thường; xem xét các chỉ định đo áp lực bàng quang và ghi nhật ký nước tiểu trước khi đo áp lực bàng quang; đo áp lực bàng quang kết hợp đo lượng nước tiểu tồn dư, sau đo phải theo dõi; quyết định phương pháp điều trị niệu khoa dựa trên kết quả đo áp lực bàng quang.
10. Khi nào thì chỉ định đo áp lực bàng quang? chức năng thận bình thường, tình trạng sức khoẻ cho phép và bệnh nhân đồng ý; không có biểu hiện nhiễm khuẩn tiết niệu trên lâm sàng và nuôi cấy nước tiểu; bệnh nhân được xác định là đã ra khỏi giai đoạn sốc tuỷ (các phản xạ đã trở lại, biểu hiện hồi phục cảm giác hoặc vận động).
11. Phương pháp thông tiểu cách quãng có những chống chỉ định nào? Không có bất cứ chống chỉ định nào ngoại trừ những tổn thương hoặc dị dạng ở đường niệu đạo.
12. Cơ sở lý luận của thông tiểu sạch cách quãng là gì? khi đưa ống thông không tiệt khuẩn vào nghĩa là đưa thêm vi khuẩn vào bàng quang, để vi khuẩn này có thể gây viêm được thì phải có thời gian làm quen môi trường và nhân lên một lượng đủ lớn (thường sau 3h), nhưng sau 3h ta đã thông để loại bỏ nó ra nên nó không thể gây viêm ở đường tiết niệu được.
13. Những ích lợi của phương pháp thông tiểu sạch cách quãng là gì? giúp kiểm soát nước tiểu tốt, tăng chất lượng cuộc sống; giảm nhiễm khuẩn tiết niệu, tăng tuổi thọ; giảm tạo sỏi bàng quang; tránh được biến chứng của lưu thông tiểu (như loét niệu đạo, dò dương vật, viêm mào tinh hoàn, sỏi bàng quang.....).
14. Khi bị nhiễm khuẩn tiết niệu nên dùng loại kháng sinh gì? nhóm kháng sinh được khuyên dùng là Quinolon (ciprofloxaxin) hoặc thuốc sát khuẩn đường tiết niệu là nitrofurantoin, mictasol bleu, micbibleucine; khi dùng kháng sinh nên lưu ý giảm lượng nước uống để làm tăng độ tập trung kháng sinh ở đường tiết niệu.
15. Phương pháp thông tiểu cách quãng đã được áp dụng ở những nước nào? các nước Âu – Mỹ đã dùng phương pháp này từ rất lâu rồi, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy đây là phương pháp hiệu quả nhất; Châu Á cũng có nhiều nước dùng như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Malaysia, Singapore, Thailand và Campuchia. Ở Việt Nam cũng đã được áp dụng ở một số cơ sở Y tế như Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TW Thanh Hoá; Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Khánh Hoà, Phú Yên, Bắc Giang.
Hiệu chỉnh ngày 23/6/2023