1. Đặt vấn đề
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (Healthcare Associated Infection - HAI) đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị.
Trong các biện pháp Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), Vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, không chỉ trong chăm sóc người bệnh mà ngay cả ở cộng đồng khi phải đối mặt với nhiều bệnh dịch nguy hiểm có thể xảy ra trên diện rộng như dịch tả, cúm A (H5N1, H1N1), v.v.
Hưởng ứng các hoạt động ngày Vệ sinh tay thế giới (05/5), nhằm nâng cao nhận thức và thực hành vệ sinh tay của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh, góp phần làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chúng tôi, xin đưa ra một số thông tin cơ bản về Vệ sinh tay, để người đọc tham khảo, áp dụng trong thực hành bệnh viện và sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng.
2. Vệ sinh tay đúng cách
2.1. Những bằng chứng khoa học liên quan tới thực hành Vệ sinh tay
2.1.1. Phổ vi khuẩn trên bàn tay:
Có 2 phổ, trong đó phổ vi khuẩn vãng lai là thủ phạm chính gây nhiễm khuẩn BV, tuy nhiên phổ vi khuẩn này có thể loại bỏ dễ dàng bằng VST thường quy (rửa tay với nước và xà phòng thường hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong thời gian 20 giây-30 giây).
2.1.2. Bằng chứng lan truyền tác nhân gây bệnh qua bàn tay:
Trong môi trường bệnh viện, mọi nơi bàn tay đụng chạm vào đều có vi khuẩn trên đó. Các tác nhân nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ có ở các vết thương nhiễm khuẩn, ở chất thải và dịch tiết của người bệnh mà thường xuyên có trên da lành của người bệnh. Các tác nhân gây bệnh này, đặc biệt là các chủng tụ cầu hoặc cầu khuẩn đường ruột có khả năng sống sót cao trong điều kiện môi trường khô, làm ô nhiễm quần áo, ga giường, đồ dùng cá nhân và bề mặt các phương tiện khác trong buồng bệnh. Các vi sinh vật có ở bàn tay ô nhiễm lan truyền trực tiếp sang người bệnh thông qua các thực hành chăm sóc hoặc gián tiếp do bàn tay làm ô nhiễm các dụng cụ chăm sóc. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy sự cần thiết phải vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là vệ sinh tay trước khi vào buồng bệnh. Bàn tay nhân viên y tế (NVYT) là phương tiện lan truyền bệnh quan trọng trong các vụ dịch nhiễm khuẩn bệnh viện.
2.1.3. Mối liên quan giữa Vệ sinh tay và Nhiễm khuẩn bệnh viện
Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời cũng là biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong thực hành chăm sóc và điều trị người bệnh. Nghiên cứu can thiệp điển hình của Semmelweis thực hiện năm 1847 cho thấy tỷ lệ tử vong ở sản phụ giảm từ 18% xuống 5% sau ít tháng triển khai khử khuẩn tay bắt buộc bằng dung dịch chloride.
Gần đây, nhiều nghiên cứu tại những khu vực lâm sàng khác nhau, nhằm đánh giá hiệu quả phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện của thực hành VST thường quy, đã cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện giảm khi cải thiện tỷ lệ tuân thủ VST ở nhân viên y tế, đặc biệt ở những khu vực có nhiều thủ thuật xâm nhập như: cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại khoa, nhi khoa. Nhìn chung, thực hiện tốt Vệ sinh tay làm giảm 30% - 50% nhiễm khuẩn bệnh viện.
2.2. Thời điểm vệ sinh tay thường quy
+ Mọi đối tượng trực tiếp chăm sóc người bệnh cần rửa tay bằng nước và xà phòng thường hoặc chà tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn vào những thời điểm sau:
- Trước khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi người bệnh.
- Trước khi thực hiện thủ thuật sạch/vô khuẩn.
- Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể.
- Sau khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi người bệnh.
- Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh.
+ Ngoài ra, cần vệ sinh tay ở các thời điểm chăm sóc người bệnh:
- Khi chuyển từ chăm sóc bẩn sang chăm sóc sạch trên cùng người bệnh.
- Trước khi mang găng và sau khi tháo găng.
- Trước khi vào buồng bệnh và sau khi ra khỏi buồng bệnh.
- Mọi nhân viên y tế (phụ mê, chạy ngoài, học viên…) trong buồng phẫu thuật không trực tiếp động chạm vào người bệnh, phải vệ sinh tay trước khi vào buồng phẫu thuật. Trong buồng phẫu thuật, bất kỳ khi nào bàn tay chạm vào bề mặt thiết bị phương tiện phải vệ sinh tay ngay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn.
2.3. Kỹ thuật vệ sinh tay thường quy
Dù vệ sinh tay bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn, cần thực hiện theo kỹ thuật 6 bước, sau đây:
+ Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
+ Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
+ Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
+ Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
+ Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
+ Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
3. Kết luận
Vệ sinh tay là một trong những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Việc vệ sinh tay cần phải được thực hiện đúng cách và thường xuyên mọi lúc, mọi nơi theo đúng 5 thời điểm vệ sinh tay trong quá trình chăm sóc và điều trị người bệnh.
Tuy nhiên, nhận thức và thực hành về vấn đề này còn chưa đồng đều, đối với nhân viên y tế và người dân tại cộng đồng. Thực hành vệ sinh tay đúng, phụ thuộc vào kiến thức, thái độ và hành vi của mỗi người. Hy vọng, với những nội dung bài viết ít ỏi nêu trên, phần nào thay đổi được nhận thức và thái độ về vệ sinh tay một cách tích cực, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho mỗi người và mọi người.
Mỗi người, đặc biệt là nhân viên y tế hãy:
“Thực hành rửa tay, đánh bay nhiễm khuẩn”
Tập huấn Vệ sinh tay cho NVYT
Giám sát NVYT thực hành Vệ sinh tay Bệnh viện PHCN Trung ương