Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay30,513
  • Tháng hiện tại456,801
  • Tổng lượt truy cập15,968,252

NHỮNG TẤM LÒNG CHÂN ÁI

Thứ tư - 22/11/2023 21:46 1.469 0
        Lê Anh Thơ
        Tôi chưa từng nghĩ đến có ngày mình phải đến điều trị tại bệnh viện phục hồi chức năng. Trước khi đến đây tôi từng tham khảo, tìm hiểu và nghe rất nhiều những câu truyện thương tâm, những tấm gương nghị lực phi thường và cả những tấm lòng chân ái, bao dung, những tấm gương về y đức thật đáng ngưỡng mộ, yêu mến. Tôi quyết định ghi chép lại những câu chuyện vui buồn trong những tháng ngày điều trị tại đây như những kỷ niệm lưu giữ lại và lan toả những điều tích cực trong cuộc sống tới người thân và bạn bè.
        Câu chuyện thứ nhất: NHỮNG TẤM LÒNG CHÂN ÁI.
        Ở câu truyện này tôi xin kể về những tấm gương y đức - những kỹ thuật viên, điều dưỡng, hộ lý... những người rất đáng được tôn vinh, tri ân.
        Nhân vật đầu tiên trong câu chuyện của tôi là kể về bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Tân Thắng hiện là trưởng khoa chấn thương chỉnh hình. Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều các y bác sĩ nhưng ấn tượng của bác sĩ Thắng thật khó quên.
        Qua lời kể của người thân của bác sĩ và những người nhà bệnh nhân, bản thân bác sĩ Thắng cũng là tấm gương sáng về sự vượt khó vươn lên trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Bác cư xử rất ân cần, gần gũi, thân thiện, tạo niềm tin đối với bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Phải chăng cái bản chất hiền lành, trung thực chất phác của người con dân tộc Thái ở miền núi Thường Xuân đã in sâu trong phẩm chất, cốt cách của một vị bác sĩ mà chỉ cần nhắc đến tên đều được mọi người yêu kính. Xét về tuổi tác xin được gọi là anh, anh không chỉ là một bác sĩ, một người lãnh đạo giỏi mà anh còn dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu và lưu giữ lại những văn hoá dân tộc Thái.
        Vô tình tôi ghé thăm phòng ông cụ người Thường Xuân - cụ là họ hàng gần với bác sĩ Thắng nên được nghe ông kể tất nhiều về tuổi thơ và những khó khăn mà anh đã vượt qua, (chưa được phép của anh nên tôi không kể); ông cụ còn cho tôi xem một cuốn sách được anh viết tay bằng chữ Thái được ghi chép rất cẩn thận lưu giữ lại những lời hay, ý đẹp, những câu ca dao, tục ngữ, thơ... Cảm phục một nhân cách, tâm hồn đẹp và biết ơn anh thật nhiều.
        Người thứ hai tôi muốn kể đến là bác Thiệu - KTV phòng matxa xoa bóp hơi. Bác Thiệu có khuôn mặt rất phúc hậu là người luôn chuyên cần, nhẹ nhàng và chuẩn mực, bác luôn luôn đến trước giờ làm 10 phút như một thói quen, tác phong được định vị sẵn vậy. Bác nhớ tên từng bệnh nhân và người nhà đi chăm sóc, chỉ bảo ân cần và luôn giữ nguyên tắc: ai đến trước làm trước, ai đến sau làm sau, phòng của bác lúc nào cũng có bệnh nhân xếp hàng dài dọc hành lang để chờ được làm với tâm thái vui vẻ. Tôi nhớ có một buổi sáng trời trở mưa khi tôi bước chân vào phòng, câu đầu tiên bác hỏi: "Hôm qua chân cháu chắc là đau lắm nhỉ, có ngủ được chút nào không?" Tôi chợt thấy ấm áp và sẽ mãi nhớ nụ cười và ánh mắt đôn hậu của bác đồng thời không quên cảm ơn bác thật nhiều...!
        Ai từng điều trị ở đây hẳn sẽ không quên KTV Trâm Anh phụ trách phòng Điện phân, Điện xung...một cô gái xinh xắn ít nói với đôi chân thoăn thoắt, đôi tay nhẹ nhàng khéo léo và tấm lòng chân ái. Phòng trị liệu luôn sạch sẽ, bệnh nhân được giúp đỡ và hướng dẫn chu đáo, tận tình. Có hôm tôi xuống phòng muộn, băng gạc sạch dùng để tẩm thuốc làm điện phân bị hết, Trâm Anh nói: "Chị chịu khó chờ một chút" rồi chạy đi đến phòng giặt lấy bông gạc sạch. Tôi trêu: em chạy làm gì cho mệt, cứ lấy phứa gạc dùng rồi dùng lại cho nhanh, cũng có dùng cho vết thương hở đâu mà lo, Trâm Anh cười trả lời: "Không được chị ơi, dùng vậy không đảm bảo đâu, chị chịu khó chờ một chút sạch sẽ mà an toàn". Ơ hay, người chịu khó đâu phải là tôi đâu nhể, cảm giác thấy thật nhẹ nhàng, dễ chịu mặc dù chân đang đau nhức liên hồi.
        Tại phòng tập vận động thụ động trên tầng 7: có thể nói đây là phòng tập ồn ào với những kỷ niệm khó quên; ở nơi đây bệnh nhân và KTV gần gũi , thân thiết như người nhà. Nơi đây luôn có đầy đủ những cung bậc của cảm xúc: yêu thương, quý trọng, chia sẻ, đồng cảm, vui vẻ thậm chí xót xa ngậm ngùi...
        Nhìn lưng áo của các KTV ướt đẫm mồ hôi, công việc nặng nhọc nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười thân thiện, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đặc biệt luôn có sự tương tác giữa KTV - người bệnh - người nhà rất gần gũi, ở nơi đây khoảng cách giữa họ thật gần, như một gia đình lớn vậy.
        Tôi có ấn tượng về anh Cảnh - người đầu tiên tôi nhìn thấy khi đặt chân vào phòng, mồ hôi thấm ướt lưng áo nhưng khuôn mặt luôn vui vẻ, giọng nói "chuẩn địa phương" quê choa đã vậy anh lại còn nói nhiều, nói to...trêu đùa tạo không khí vui vẻ cho cả phòng. Cậu bạn trẻ tên Cường có thân hình gầy, ít nói và rất mềm dẻo, khéo léo: mỗi khi thấy Cường tập cho cô bé mới hơn 2 tuổi bị ngã trấn thương não tôi thực sự khâm phục tính nhẫn nại, kiên trì nhẹ nhàng của cậu ấy. Tôi có chút thiện cảm với KTV Hải - là người có tuổi đời trẻ nhất phòng tập; nhớ hôm vào phòng tập bạn í hỏi:" Chị ơi, chị bị sao vậy, chị nhiều tuổi chưa?" Sau khi nghe mình trả lời cu cậu nói: "Chị bằng tuổi với mẹ em" rồi cười bẽn lẽn...
        Phòng tập vận động thụ động tầng 7 có duy nhất một bông hoa nữ là KTV Hằng - người tôi tiếp xúc đầu tiên tại nơi đây và cũng là KTV trực tiếp giúp tôi xoa bóp, tập luyện. Hằng là người nhanh nhẹn, giọng nói nhẹ nhàng khá dễ nghe, là bà mẹ 3 con nhưng trông em vẫn trẻ trung hơn nhiều so với tuổi. Tôi biết ơn vì đã được em giúp đỡ trong quá trình tập luyện với những chia sẻ, động viên rất mộc mạc, chân thành. Cảm ơn em đã cùng chị vượt qua quãng thời gian điều trị tại nơi đây.
        Trong các phòng tập thì phòng đắp nến là phòng mà KTV vất vả nhất. Gần như tất bật luôn tay, chỉ cần dừng lại hướng dẫn 1,2 bệnh nhân hoặc sắp xếp vị trí cho các bệnh nhân một vòng trở lại bàn đã có cả một chồng phiếu chờ. Môi trường làm việc thì không tả nổi: ồn ào đã đành lại còn xực mùi nến, đeo tận 2 cái khẩu trang mà vẫn cảm thấy ngột ngạt...nhiều khi còn phải lo can thiệp những trường hợp người nhà hoặc bệnh nhân gây gổ, tranh chấp chỗ ngồi...xin được chia sẻ và cảm ơn sự chăm sóc, phục vụ của hai KTV phòng nến.
        Tôi muốn nói một chút về cậu bác sĩ trẻ tên Kiên ở khoa chấn thương tầng 3. Tôi mến cậu bởi cậu có nét gì đó khá giống với cậu con trai đầu của mình, nhỏ nhắn, thân thiện. Nhớ mãi câu nói: "chị cứ để em làm giúp..."và không ít lần bị bệnh nhân nhờ vả...
        Tôi cũng không quên chị Bình hộ lý tại tầng 3 khoa chấn thương. Chị là người luôn tay luôn miệng, phòng bệnh, hành lang, khu vực vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ mặc dù số lượng bệnh nhân và người nhà chăm nuôi ở đây không ít. Lịch đổi chăn ga quần áo là vào buổi sáng nhưng buổi chiều thậm chí ngoài giờ hành chính mà chị chưa ra về nếu người bệnh cần đổi chị vẫn vui vẻ giúp họ, việc làm nhỏ mà ý nghĩa không hề nhỏ - đặc biệt đối với những người bệnh không có người nhà chăm sóc.
        Tôi bị đau, phải đến điều trị tại nơi đây và đã được các y bác sĩ, các KTV chăm sóc, giúp đỡ tận tình, xin cảm ơn thật nhiều những tấm lòng chân ái. Chúc các y bác sĩ và các KTV luôn vui, khoẻ, gia đình hạnh phúc.
 

Tác giả bài viết: Lê Thoa - Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bộ Y tế
Sở Y tế TH
Cục Quản lý Khám Chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng
Cục Y học Cổ truyền
Cục Dược
Viện Chiến lược chính sách Y tế
Đại học Y Hà Nội
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Học viện Y học cổ truyền Trung ương
Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây